Phát huy truyền thống của dòng họ Nguyễn Trọng trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay
Nguyễn Trọng Nghĩa |
12/1/2024
Dòng họ Nguyễn Trọng phát tích từ làng Trung Cần, thuộc xã Nam Trung, nay là xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là một dòng họ có truyền thống Văn hóa, Khoa bảng và ngoại giao đi sứ. Dòng họ nổi tiếng với 3 đời liên tiếp đậu Tiến sĩ (Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đương, Nguyễn Trọng Đường) và 4 đời liên tiếp làm Chánh, Phó sứ sang Trung Quốc (3 ông Tiến sĩ trên và nối tiếp là Nguyễn Trọng Võ, con trai của Nguyễn Trọng Đường). Trải qua nhiều đời cho đến ngày nay, con cháu họ Nguyễn Trọng đã phát huy rất tốt truyền thống của Tổ tiên, ông, cha về văn - võ và cả trong phát triển Kinh tế - Xã hội. Trong bài văn tế Tổ ở Trung Cần có đoạn:
Tổ tiên dòng dõi sáng ngời/Văn chương khoa giáp ở nơi triều đình,
Võ tài cung kiếm quản binh/Đánh đông dẹp bắc thanh danh lưu truyền…
Tại một nhà thờ chi họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần, xây dựng vào năm Quý Mùi đời vua Minh Mạng (1823), trùng tu năm Thành Thái thứ 4 (1902), do con cháu cụ Nguyễn Trọng Đường thờ tự. hiện có hai bức hoành phi và 8 đôi câu đối. Đôi câu đối ở cột quyết có ghi: Tam thế khoa đăng quang cựu phúc/ Bách niên đức thụ phát tân hương (tạm dịch là: Ba đời khoa bảng ngời phúc ấm/Trăm năm cây đức tỏa hương thơm). Nội dung đôi câu đối này đã nói lên được phần nào sự nghiệp của Tổ tiên và sự tiếp nối truyền thống của con cháu trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Dòng họ Nguyễn Trọng đến nay mới kết nối được với 15 chi họ, mà chưa có điều kiện liên lạc, kết nối hết các chi họ ở các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc và ngay cả trên địa bàn xứ Nghệ. Vì dòng họ trải thời gian phát tích đã hơn 500 năm, lại gặp nhiều biến cố thiên tai, chiến tranh li tán, mà một số chi, gia phả chỉ ghi ngày giỗ của cha, ông, cố, can… chứ không ghi cụ thể, đầy đủ công trạng của các vị tiên tổ, thế thứ các đời, nên chưa thể hiện rõ được về sự phát huy truyền thống từ ông cha cho đến các thế hệ con cháu... Tuy vậy, hiện nay, qua gia phả để lại, qua thế thứ các chi họ đã thấy có nhiều con cháu cố gắng tiếp thu truyền thống tốt đẹp của cha ông, đã có các nhân vật tiêu biểu đóng góp công sức cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Trọng - Trung Cần
Dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần (nơi có nhà thờ Đại tôn thờ Thủy Tổ, quan Bác sĩ Nguyễn Trọng Quyên), nối đời có nhiều người đậu đạt khoa bảng, văn võ song toàn, nhiều nhân vật làm quan trong triều đình và nhiều địa phương trong cả nước, tiêu biểu là các vị: Nguyễn Duy Tân, Nguyễn Trọng Ôn, Nguyễn Trọng Cung, Nguyễn Trọng Khoan, Nguyễn Trọng Khầm, Nguyễn Trọng Nhân, Nguyễn Nho Thần, Trọng Phì, Trọng Thơm, Trọng Xanh, Trọng Cửu, Trọng Tuyển, Trọng Thường, Trọng Đương, Trọng Đường…
Triều Nguyễn, nhiều con cháu dòng họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần và các xã khác lân cận khác đã phát huy tốt truyền thống hiếu học khoa bảng, thi đỗ Cử nhân, Tú tài. Tiêu biểu như các Cử nhân Nguyễn Trọng Lượng đậu khoa Mậu Tý năm Minh Mạng thứ 9 (1829), Nguyễn Trọng Triều đậu khoa Giáp Ngọ năm Minh Mạng thứ 9 (1834), Nguyễn Trọng Võ (Cống cử) đi sứ hai lần vào đời Minh Mạng, Nguyễn Trọng Quát đậu vào năm Thiệu Trị thứ 7, và các ông Nguyễn Trọng Tố, Nguyễn Trọng Kỳ, Nguyễn Trọng Dụng, Nguyễn Trọng Quát, Nguyễn Trọng Uyển đều có tên trong danh mục trung khoa của tổng, huyện…
Chi họ Nguyễn Trọng ở Láng Ngạn, Đức La, Đức Thọ, Hà Tĩnh có: Nguyễn Trọng Tân, con trai Nguyễn Trọng Võ, làm quan đến Tiết độ sứ, Hoàn viên Tướng quân, tước Chánh Tứ phẩm, Nguyễn Trọng Khoát, làm Quản cơ chuẩn bộ Thái Nguyên tỉnh…
Từ khi Đảng cộng sản ra đời (1930) trở về sau, họ Nguyễn Trọng Trung Cần đã có những người vượt lên nối tiếp truyền thống của cha ông, đóng góp nhiều công lao cho cách mạng trong hai cuộc Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và xây dựng đất nước. Người đi tiên phong là Nguyễn Trọng Cảnh (1916-1986), đổi tên là Trần Quốc Hoàn, từng làm Bí thư Thành ủy Đảng CSĐD Tp. Hà Nội, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư LK ủy II, X, rồi Đặc ủy Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công an (1952), rồi Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ 1953 cho đến 1980, được bầu vào BCHTW Đảng (Đại hội TQ. III- 1960 và V - 1982), Ủy viên dự khuyết, rồi UV chính thức Bộ Chính trị (1972), được tặng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Các nhân vật tiêu biểu khác như: Nguyễn Tạo mấy lần bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam và đã vượt ngục trở lại hoạt động cách mạng, sau này là Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; Nguyễn Trọng Từ, Kỹ sư Xây dựng; Nguyễn Trọng Quý, Bác sĩ CK II Trường Đại học Y Hà Nội, CN khoa Ngoại tổng hợp Quân y Viện 91; Nguyễn Trọng Tường Anh hùng lực lượng vũ trang thời chống Mỹ; Nguyễn Trọng Quang, nguyên Cục trưởng Cục Địa chất, nguyên Bí thư Đảng ủy Thái Lão; Nguyễn Trọng Trinh, NSND Đạo diễn/diễn viên Phim Truyền hình Việt Nam…
Chi họ Nguyễn Trọng Dương Liễu, tiêu biểu có Nguyễn Nhật Huy làm đến chức Điện tiền đại tướng quân đời nhà Lê, Nguyễn Trọng Hưng, Nguyễn Trọng Tố làm đến chức Tri sự thuộc dinh Long vũ. Ngày nay có: Nguyễn Trọng Đạt, bí danh Phát, sinh năm 1910, cán bộ Tiền khởi nghĩa, nguyên PCT phụ trách Kinh tài UBND huyện Nam Đàn, PGĐ Thủy nông, rồi PGĐ ty Tài chính Thanh Hóa; Nguyễn Trọng Tứ, sinh năm 1928, làm Chủ tịch xã (1952-1955), rồi Bí thư Đảng ủy xã Nam Trung, Nam Đàn (1956-1960), Phó Ban Tuyên giáo huyện Nam Đàn (1960-1963), Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy, Trưởng ban Kiểm tra Đảng bộ huyện, Trưởng phòng Lao động và tuyển sinh huyện cho đến 1981 nghỉ hưu, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng; Nguyễn Trọng Trường, sinh năm 1921, cán bộ Tiền khởi nghĩa, Thư ký thứ nhất cho TBT Trường Chinh, tốt nghiệp ĐH Trường Đảng CS Liên Xô (1950), Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc V; Nguyễn Trọng Đào, Đại tá QĐ, Kỹ sư Cơ khí chế tạo ĐH Bách khoa Hà Nội (K. 1), Kỹ sư trưởng Tên lửa do Liên Xô đào tạo, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Lao động - Đào tạo Tổng cục Công nghiệp QP&KT, Bộ Quốc phòng; Nguyễn Trọng Lý, sinh năm 1938, Bác sĩ CKII. Thầy thuốc Ưu tú, GĐ Bệnh viện huyện Đức Thọ; Nguyễn Trọng Tín, sinh 1952, PGS TS Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHKT; Đại tá, BS CKII Nguyễn Viết Trung (Trọng Trung), Bệnh viện Quân Y 175 (con trai Đại tá Trọng Đào); PGS. TS. nghành Mỹ thuật Nguyễn Trọng Cát, sinh năm 1928, giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội, chuyên gia CH Công gô; Đại tá Quân đội, Nhà văn Nguyễn Trọng Khoát (1930-2018), Chủ nhiệm VHVNTT Đoàn 559; Đại tá, TS Nguyễn Trọng Sơn Hà, sinh năm 1962 (con trai ông Trọng Khoát); TS Nguyễn Trọng Vinh Quang (con trai Trần Quốc Hoàn); Đại tá Công an Nguyễn Minh Lợi (con gái Trần Quốc Hoàn); Doanh nhân Nguyễn Trọng Quát, GĐ Công ty TNHH SXTM DV Cơ khí Nam Hồng tại Tp. Hồ Chí Minh; Nguyễn Trọng Hoàng, cầu thủ Bóng đá CLB Sông Lam và Đội tuyển Bóng đá Quốc gia, Huy chương Vàng SIGEM, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng III…
Chi họ Nguyễn Trọng Thanh An, huyện Thanh Chương có Nguyễn Trọng Vật giữ chức Đô úy Ngự sử Trấn thủ Bắc Ninh. Ngày nay có các Doanh nhân: Nguyễn Trọng Long, GĐCTTNHH TM sản xuất Ngọc Long Phú; Nguyễn Trọng Thịnh, GĐCT CPSX&TM Long Bình; Thiếu tướng nghỉ hưu Nguyễn Trọng Nhượng …
Chi họ Nguyễn Trọng Long Cù, xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên có Nguyễn Trọng Cần làm Khuông hổ vệ uy dũng lược, Nguyễn Trọng Hòa giữ chức Đội trưởng vệ Diệu vũ dinh Long Vũ, Nguyễn Trọng Khanh Đội trưởng vệ Diệu vũ dinh Long Vũ, Nguyễn Trọng Mậu thi trúng Võ trường Cử nhân bổ thụ Phán võ Suất đội thăng thụ Hiệp quản kiêm Thành thủ úy, trấn hai hạt Cao Bằng, Lạng Sơn. Ngày nay có: TSKH Nguyễn Đức Diện (Trọng Diện), Giảng viên Trường Đại học Vinh;
Chi họ Nguyễn Trọng Hùng Sơn, Anh Sơn có Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thanh Tùng; Doanh nhân Nguyễn Trọng Tiệp, GĐCTTNHH thương mại và Dịch vụ TH Việt Tiệp…
Chi họ Nguyễn Trọng Đô Yên, Hưng Mỹ có cụ Nguyễn Trọng Thiết, sinh năm 1917, được Đảng cử làm Chỉ huy trưởng Quân tình nguyện Việt Nam tại Căm Pu Chia, Bí thư Liên chi bộ Đảng, 1950 làm Bí thư cán sự Đảng Khu Tây Bắc Căm Pu chia, 1951 là BTBCS Đảng tỉnh Công Pông Chàm, Công Pông Thom và vùng Hữu ngạn sông Mê Công, 1954, Chính ủy Sư đoàn Hậu cần 338, 664, Cục trưởng cục Vật tư, Tổng cục Địa chất, cán bộ lão thành CM, 70 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Ba; Hai cha con Nguyễn Trọng Lam và Nguyễn Trọng Thông đều là Đại tá Công an; Doanh nhân Nguyễn Trọng Chụy…
Chi họ Nguyễn Trọng Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, có Nguyễn Trọng Khang thủy Tổ khai canh lập làng Lan Đình, sau gọi là làng Xuân Đình (một làng trong xã Nghi Thạch ngày nay); Nguyễn Văn Trinh làm Đội trưởng Nội tiền sung quốc Ưu binh thị hầu Phấn lực tướng quân hiệu lệnh Ty tráng sĩ; Nguyễn Trọng Thư và con là Nguyễn Trọng Trường từng cầm quân đánh giặc đều được sắc phong của triều đình. Trọng Thư là Chánh cai quan, quản lý nhân công xây dựng cung đình, chùa, miếu ở trong cung điện Huế (hiện nhà thờ còn lưu giữ nhiều Bằng cấp triều Nguyễn ban phong). Ngày nay có Đại tá nghỉ hưu Nguyễn Trọng Dũng; Lương y Nguyễn Quốc Hùng; PGS TS Nguyễn Quốc Tế, Bí thư Đảng ủy, CT HĐT, PHT Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh và con trai là TS Kinh tế (Hoa Kỳ) Nguyễn Trọng Hà; Doanh nhân Nguyễn Trọng Nghĩa, GĐ Lương thực Nghĩa Kiều và con trai TSKH (Hung Ga Ri) Nguyễn Trọng Tuấn…
Chi họ Nguyễn Trọng Cát Đằng, Nam Định có Lương y Nguyễn Trọng Dương…
Chi họ Nguyễn Trọng Vân Diên, Nam Đàn có Nguyễn Trọng Hưng, làm quan triều Nguyễn, chức Đội trưởng Đội 3 vệ Định Vũ, thuộc dinh Long vũ…
Chi họ Nguyễn Tiến (Nguyễn Trọng) Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai (Quỳnh Lưu xưa) có: Nguyễn Tiến Miền (1906-1955), là một trong số Đảng viên đầu tiên của xã, Chủ tịch xã đầu tiên sau ngày nước ta giành độc lập (2/9/1945); Doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng, GĐCT CP Tech ProJit dịch vụ và Đào tạo tư vấn đầu tư…
Chi Nguyễn Trọng Nghĩa Phúc, Tân Kỳ có Doanh nhân Nguyễn Trọng Trung, GĐCT TNHH T&T Miền Trung.
Trên đây cũng là ghi chép một cách khái quát, khái lược nhất về công lao của các nhân vật dòng họ đại tôn, các chi họ các địa phương cho đất nước, cũng như các thế hệ con cháu đã phát huy được truyền thống trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nhưng vì thời gian gấp gáp, vì khuôn khổ bài viết còn hạn chế, nên chưa thể viết thật đầy đủ được. Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Trọng cũng đã cố gắng nghiên cứu tài liệu sử sách, tài liệu gia phả, chi phả, cũng như thông báo cho các chi họ thông tin gửi tài liệu về các nhân vật chi họ mình để biên soạn bài tham luận này, nhưng cũng không thể tránh khỏi thiếu sót, rất mong các chi họ thông cảm và tiếp tục bổ sung để có dịp biên soạn một cách đầy đủ hơn về sau.
Con cháu họ Nguyễn Trọng đã vươn lên đóng góp xứng đáng trên các lĩnh vực sản xuất, kinh tế, chính chị, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao… với nhiều nhân vật là bác sỹ, kĩ sư, nhà giáo, nghệ sĩ, doanh nhân, lao động, nông nghiệp, công nghiệp… mà tiêu biểu là những con cháu đã phấn đấu để đạt được các danh hiệu cao quý của Nhà nước và xã hội: Thầy thuốc Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân và các Lao động giỏi, Doanh nhân đã làm rạng danh cho Tiên Tổ. Đó là chưa kể những con cháu không giữ tên Nguyễn Trọng mà lại mang biệt danh khác hoặc có giữ tên mà không có gia phả trong tay chúng tôi. Sau này, có sự kết nối mới, chúng tôi sẽ bổ sung. Chắc chắn rằng sau này, có sự kết nối với dòng họ ở các địa phương khác, các tỉnh khác thì còn nhiều nhân vật tiêu biểu hơn nữa.
Trong quá trình đi lên của đất nước, với chính sách khuyến học, khuyến tài, đời sống dồi dào, phát triển, con em chúng ta sẽ phát huy hơn nữa trong việc tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông, góp phần làm rạng danh đất nước. Đúng như mong muốn mà di thư của tiên Tổ đã gửi gấm lại qua câu đối:“… Bách niên đức thụ phát tân hương”.