Quay lại

Rồng Komodo

Kỳ Hoa  |   10/1/2024

Rồng Komodo là loài thằn lằn lớn nhất, cổ xưa nhất và kỳ lạ nhất thế giới. Động vật độc đáo và quý hiếm này trở thành một biểu tượng đặc trưng đầy tự hào của đất nước Indonesia...

Vào năm 1910, một phi công Hà Lan bị tai nạn máy bay, rơi xuống đảo nhỏ Komodo của Indonesia và phải lưu ở đây một thời gian dài. Khi được cứu sống, trở lại đảo lớn Java cũng thuộc Indonesia, viên phi công kể về loài rồng mà chính anh ta trông thấy. Đó là những quái vật dài tới 5-6 m, lưỡi màu lửa, hung dữ, có thể săn bắt, ăn thịt các con thú lớn hàng trăm cân như hươu, nai, sơn dương, lợn rừng… Câu chuyện của viên phi công ít được ai tin bởi người ta cho rằng anh này bị điên sau những ngày đói khổ trong rừng. Dù sao, câu chuyện cũng đã khuấy động dư luận và kích thích sự tò mò của các nhà thám hiểm.
Peter Ouwens - Giám đốc Viện Bảo tàng Động thực vật ở Bogor trên đảo Java - là một trong các nhà khoa học chú ý đến sự kiện trên, đã viết thư cho một người bạn là Trung úy Van Steyn Hensbroek (cũng trong quân đội Hà Lan đang đóng ở một hòn đảo gần Komodo) nhờ kiểm tra, xác định lại thông tin. Không lâu sau, ông nhận được sự trả lời gồm ảnh chụp cùng bộ da 2 con rồng Komodo mà chính Hensbroek giết và gửi tới. Vậy là nghi ngờ về sự tồn tại của loài rồng Komodo được giải tỏa. Ông liền viết bài, đăng trên một tạp chí khoa học thời đó, giới thiệu về loài rồng này. Bài viết của ông rất được giới động vật học quan tâm và nhiều đoàn thám hiểm đã đến Komodo. Từ năm 1915, các thương gia Trung Quốc còn thuê người săn lùng rồng tại đây để lấy da, nhưng họ sớm phải từ bỏ việc này khi khám phá ra rằng da rồng Komodo tuy rất dày nhưng lại không thuộc được! Cho mãi tới những năm 1960, người ta mới biết rõ được cấu tạo, đặc điểm sinh học và đời sống thực tế của rồng Komodo.
Rồng Komodo (tên khoa học: Varanus komodoensis) là loài thằn lằn lớn nhất và cổ xưa nhất hiện còn. Chúng sống hoang dã trên đảo Komodo và các đảo lân cận (Flores, Rinca, Padar, Gili Motang, Gili Dasami), đồng thời một số con đã được nhân giống, nuôi tại các vườn thú ở châu Á, Tây Âu, Bắc Mỹ. Rồng Komodo trưởng thành trung bình dài 2,5-3 m, nặng 80-140 kg, những con lớn nhất dài tới 5 m, nặng hơn 300 kg. Chúng có đầu hơi nhỏ, thuôn dài, mắt tròn to. Miệng rộng với nhiều răng sắc nhọn, rất thuận tiện cho hoạt động cắn xé nhưng cơ hàm yếu (chỉ bằng 20% của cá sấu) nên hạn chế cho việc nhai nghiền. Lưỡi dài, chẻ sâu, màu vàng đỏ, có thể liên tục thụt vào thè ra khỏi miệng. Tai nhỏ, chìm dưới da. Dù có thính giác không tốt nên chỉ nghe được tiếng động ở gần, nhưng bù lại, chúng có thị giác, vị giác và khứu giác tinh nhạy: có thể nhìn rõ vật cách xa 300 m, ngửi biết mùi vị bằng cả mũi và lưỡi, đặc biệt đánh hơi thấy mùi máu tươi hoặc mùi xác thối rữa ở cách xa hàng chục cây số! Cổ linh động. Bụng to với dạ dày có dung tích lớn, chứa được con mồi kích cỡ bằng hơn nửa cơ thể. Bốn chân to khỏe, đầy móng vuốt cong nhọn, khi di chuyển thường nâng thân khỏi mặt đất chứ không hoặc ít để bụng chạm đất như các loài bò sát khác. Đuôi dài bằng cả phần thân mình, rất khỏe, đến khi trưởng thành dọc trên đuôi có khoảng 60 răng cưa, mỗi cái cao chừng 2,5 cm, thay mới liên tục. Toàn thân bao phủ bởi lớp da rất dày, màu nâu xám hơi vàng, nổi nhiều mụn nhỏ sần sùi.
Rồng Komodo ưa thích môi trường rừng nhiệt đới nóng khô với tầng lá thấp. Chúng đào hố sâu 1-3 m (có thể sâu tới 9 m) để ở đó duy trì thân nhiệt trong đêm, sáng sẽ ra ngoài tắm nắng, ban ngày hoạt động và săn mồi. Di chuyển chậm chạp bằng 4 hoặc chỉ 2 chân sau, nhưng trên những đoạn đường ngắn hoặc lúc săn mồi, chúng có thể đạt tốc độ 7-8 m/giây. Bơi giỏi và lặn được sâu dưới nước hàng chục mét. Nhờ móng vuốt sắc nhọn và khả năng uốn bám dẻo, chúng có thể leo trèo, chuyền cành thành thạo trên cây.
Rồng Komodo là loài ăn thịt. Chúng thích con mồi là các loài thú, chim, bò sát và động vật không xương sống. Khi phát hiện con mồi, chúng bí mật, lẹ làng tiếp cận và bất ngờ nhảy đến cắn xé, nhai nuốt. Chúng huy động cả đuôi để quật ngã và hai chân trước để quắp giữ con mồi. Những con mồi to lớn thường vùng vẫy, có thể tạm thoát được, nhưng rồng không đuổi theo. Bởi vì, sau đó không lâu, con mồi sẽ chết do chảy máu liên tục (chảy hết máu), lúc đó rồng mới tới ăn thịt. Người ta phát hiện rằng trong dịch miệng (nước dãi) của rồng có tới 50 vi khuẩn độc, không những khiến con mồi bị cắn tê liệt thần kinh mà còn làm giãn mạch máu và ngăn chặn sự đông máu. Ham săn mồi sống nhưng chúng lại thích ăn xác chết thối rữa. Phàm ăn nhưng cũng nhịn đói giỏi: mỗi tháng chỉ cần ăn 1 bữa, dù khối lượng bữa đó phải bằng 60-80% cơ thể chúng!
Mùa động dục của rồng Komodo từ tháng Năm đến tháng Tám hàng năm. Các con đực đấu nhau quyết liệt để tranh giành con cái: đứng chỉ bằng chân sau, chúng ghì túm chặt lấy nhau bằng chân trước, khiến kẻ chiến bại sẽ bị chúi xuống mặt đất… Con cái ban đầu cũng kháng cự mạnh lúc con đực đến chinh phục, nhưng khi đã ưng thuận, chúng trở thành cặp đôi chung thủy. Đẻ vào tháng Chín, mỗi lứa 12-25 quả, con cái ấp trứng tới 7-8 tháng và rồng con sẽ nở ra trong tháng Tư năm sau - thời điểm nguồn thức ăn chủ yếu cho rồng con là côn trùng dồi dào nhất. Rồng con sống trên cây để tránh những kẻ săn mồi, trong đó có cả chính những đồng loại của chúng. Khi được 3-5 tuổi, chúng trưởng thành và xuống sống trên mặt đất. Chúng có tuổi thọ 40-50 năm, có con sống được tới gần 100 năm. 
Về nguồn gốc và khả năng sinh sản, rồng Komodo cũng đem tới những phát hiện thú vị. Trước kia, người ta cho rằng thủy tổ của rồng Komodo đã xuất hiện ở đảo này cách đây 40 triệu năm, hoặc di cư từ Trung Quốc xuống cách đây hàng chục triệu năm. Sau hơn 3 năm nghiên cứu nhiều hóa thạch của rồng Komodo có niên đại 300.000-4.000.000 năm tìm thấy ở miền Đông Australia, cuối năm 2009 nhà nghiên cứu động vật cổ Scott Hocknull và các cộng sự đã bác bỏ giả thuyết này. Theo ông, tổ tiên rồng Komodo phát triển tại Australia từ lâu và lan rộng về phía tây, đến đảo Flores ở Indonesia mới khoảng 900.000 năm trước. Sau đó, do tác động của khí hậu, rồng Komodo bị tuyệt chủng ở Australia, còn tại đảo Flores chúng vẫn sống được, lan sang đảo Komodo và vài đảo xung quanh. Về khả năng sinh sản, rồng Komodo được biết là loài có thể sinh sản đơn tính (trinh sản): trong năm 2006 và 2007, con rồng cái mang tên Flora ở Vườn thú Chester (Anh) được nuôi tách riêng biệt, không hề tiếp xúc với rồng đực mà vẫn đẻ hàng chục trứng và các trứng sau khi ấp đều nở ra rồng con! Tuy nhiên, các nhà sinh học cho rằng, để đảm bảo sự đa dạng gene của rồng Komodo, các vườn thú nên để con cái và con đực sống chung, tránh hiện tượng trinh sản.
Rồng Komodo là động vật có nguy cơ tuyệt chủng rất cao (do núi lửa, động đất, cháy rừng, thiếu nguồn thức ăn, thu hẹp môi trường sống, sự quấy rối của du khách, săn bắn bất hợp pháp), nên đã được đưa vào sách đỏ. Nếu tính tổng cộng sống hoang dã tại đảo Komodo, các đảo lân cận và được nuôi nhân tạo trong một số vườn thú trên thế giới, hiện chúng còn chưa tới 5.000 con (với chừng 2.400 con sống hoang dã tại Indonesia), trong đó con cái - con có khả năng sinh đẻ - lại còn rất ít (chỉ khoảng 350 con). Người dân Indonesia luôn tự hào, coi rồng Komodo là bảo vật của quốc gia và dân tộc mình. Biểu tượng, hình ảnh rồng Komodo được in màu hoặc đúc nổi, khắc chìm trên nhiều phù hiệu, huy hiệu, huân chương, linh vật, tiền mặt… của nước này. Mỗi năm, đảo Komodo đón hàng trăm ngàn du khách đến chiêm ngưỡng rồng. Cuối năm 2011, đảo Komodo được công nhận là 1 trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên thế giới mới. Từ năm 1980, chính quyền đã cho thành lập Vườn Quốc gia Komodo rộng gần 2.000 km2 để nuôi dưỡng, bảo vệ, phát triển loài bò sát độc đáo, đặc biệt quý hiếm này và hiện nay, lượng du khách đến đây bị giới hạn không được quá 200.000 người mỗi năm.

Cùng chuyên mục