Cần giải pháp căn cơ và đồng bộ để giảm nghèo bền vững
Doãn Trí Tuệ |
3/1/2024
Thời gian vừa qua, trên phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững. Nội dung này được nhiều báo viết, báo nói, báo hình viết bài và đưa tin để các địa phương tham khảo, học tập và làm theo…
Nhưng vấn đề cơ bản của các mô hình sinh kế giảm nghèo đó có thật sự bền vững hay không cần phải chờ thời gian chứng minh hay hết đầu tư rồi lại trở về điểm xuất phát. Thực trạng này không phải là chuyện hiếm có đang diễn ra hiện nay trong chương trình giảm nghèo bền vững ở nhiều địa phương.
Đầu tư nhiều, hiệu quả chưa cao
Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chủ yếu tập trung nhiều ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và nhất là những địa phương có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngay tại Nghệ An, tỷ lệ hộ nghèo hiện tại bình quân chung cả tỉnh là 7,8%, riêng 11 huyện, thị miền núi tỷ lệ này là 17,24%. Trong 11 huyện, thị miền núi có các huyện vùng núi cao, như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu… tỷ lệ hộ nghèo lên tới 30 - 50%.
Những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo nhiều nói trên không phải là không có tiềm năng để phát triển kinh tế. Ngược lại, rất có tiềm năng về đất đai, khí hậu, cây, con… Nhưng chưa có điều kiện để phát triển, như: huyện núi cao Kỳ Sơn có cây chè Shan Tuyết hơn 600 ha, cây gừng hơn 600 ha, hàng ngàn con bò Mông to, có trọng lượng 400 - 500 kg/con. Huyện Quế Phong có gần 700 ha cây quế quỳ, giống quế đặc sản bản địa có chất lượng tốt, nổi tiếng “nhất quế quỳ, nhì quế thanh”. Huyện Quỳ Châu nổi tiếng về đàn trâu bản địa vừa nhiều, vừa có dáng hình to, cao, trọng lượng lớn gấp 1,5 lần so với trâu ở các huyện miền xuôi. Vì vậy, trâu ở Quỳ Châu thường được thương lái từ các tỉnh đồng bằng Bắc bộ mua về làm trâu chọi và làm giống.
Mùa thu hoạch dứa của người dân Nghệ An, Ảnh: Nguyễn Đạo
Vùng miền núi thấp ở miền Tây các huyện: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Tân Kỳ… từ 5000 ha dứa Cayen năm 2010, nay chỉ còn lại hơn 1.300 ha, tập trung chủ yếu ở 3 xã: Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu và Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu.
Tiềm năng có, nhưng chưa có điều kiện để phát triển, đó là: hệ thống giao thông đi lại trong các vùng có nhiều tiềm năng về phát triển cây, con còn nhiều khó khăn, nhất là vùng núi cao. Từ đó, sản phẩm làm ra khó bao tiêu, giá cả hoàn toàn lệ thuộc vào tư tưởng, do chưa có doanh nghiệp và nhà máy chế biến nào liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Vì vậy, không thể mở rộng diện tích sản xuất, mở rộng chăn nuôi đại gia súc, thậm chí giảm dần diện tích, như cây quế Quỳ ở huyện Quế Phong từ hơn 3000 ha trước đây, nay chỉ còn lại khoảng 600 ha, cây dứa từ hơn 5000 ha (2010), nay còn lại trên 1.300 ha v.v… Từ lâu nay, tất cả những hộ nghèo đều được Đảng và Nhà nước ta từ Trung ương đến địa phương có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, giúp đỡ vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức khác nhau, như: cho vay vốn sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi tại ngân hàng chính sách xã hội; cung cấp giống cây, giống con; hỗ trợ tiền khai hoang, phục hoá và nuôi trồng cây, con mới v.v… Hàng năm tỉnh còn phát động phong trào “toàn dân tham gia ủng hộ quỹ vì người nghèo với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng” và “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững” đầu tư từ 400-500 tỷ đồng/năm, chủ yếu để xây dựng nhiều mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững. Nhưng đến hôm nay nhiều mô hình chỉ dừng lại ở mô hình, thậm chí “chết yểu”, nếu không tiếp tục đầu tư. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo đến nay vẫn còn cao, trung bình chung toàn tỉnh 7,8%, riêng khu vực các huyện miền núi 17,24%. Nguyên nhân chủ yếu tỷ lệ hộ nghèo còn cao, có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng qua tìm hiểu chúng tôi thấy có mấy nguyên nhân sau:
Thứ nhất: trình độ dân trí nhiều địa phương miền núi, nhất là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chưa nhận thức và bắt kịp với yêu cầu sản xuất hiện nay.
Thứ hai: vẫn còn tư tưởng, trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước đối với hộ nghèo.
Thứ ba: việc xây dựng các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững còn phân tán, nhỏ lẻ chưa đủ sức thuyết phục cả người sản xuất và doanh nghiệp để mở rộng sản xuất và đầu tư kinh doanh.
Thứ tư: có những cây, con nhiều tiềm năng cho ra sản phẩm nhiều cả trước đây và hiện nay, như: Cây quế Quỳ ở huyện Quế Phong, cây chè Shan Tuyết và cây gừng ở huyện Kỳ Sơn, cây dứa ở vùng miền Tây huyện Quỳnh Lưu, con trâu và con bò ở huyện Quỳ Châu, Kỳ Sơn… nhưng rất khó phát triển thành hàng hoá lớn để tạo sinh kế làm thay đổi cuộc sống, bởi vì: hệ thống đường giao thông đi lại khó khăn cho việc giao lưu mua bán, vận chuyển hàng hoá. Giá cả bấp bênh do hoàn toàn lệ thuộc vào doanh nghiệp tư nhân, tư thương. Chừng nào trong những vùng có tiềm năng nói trên chưa có hệ thống giao thông đi lại dễ dàng và chưa có nhà máy chế biến tại chỗ thì dù có tiềm năng đến mấy cũng chỉ là “ăn truyền thống, sống tiềm năng”, khó giảm nghèo bền vững.
Cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ
Nhìn ra tỉnh bạn, cũng là cây chè Shan Tuyết ở trên vùng núi cao Hà Giang không khác gì mấy so với vùng núi cao ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Những ngày đầu cây chè Shan Tuyết ở Hà Giang cũng như ở Kỳ Sơn, Nghệ An, chỉ là cây xoá đói giảm nghèo. Nhưng bây giờ cây chè Shan Tuyết ở Hà Giang có diện tích lên đến 18.600 ha, sản lượng chè hàng năm đạt 94.000 tấn. Sản phẩm chè sau chế biến được bán ra các thị trường: Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ… thu về hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
Cây quế ở tỉnh Yên Bái, theo Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, ngày đầu cây quế là cây phát triển để xoá đói giảm nghèo, nay trở thành cây làm giàu. Toàn tỉnh Yên Bái hiện có tới 80.000 ha quế, vừa là cây dược liệu, vừa là cây phủ kín đất trống, đồi núi trọc. Tỉnh có 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế sử dụng công nghệ lò hơi với tổng công suất 1000 tấn sản phẩm tinh dầu/năm. Riêng năm 2022, sản lượng khai thác vỏ quế khô đạt hơn 18.000 tấn, gỗ quế tận thu sau khai thác vỏ đạt trên 200.000 m3 dùng để chế biến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng gia dụng và gần 90.000 tấn cành lá cung cấp nguyên liệu đầu vào cho chế biến tinh dầu. Vỏ quế và tinh dầu được xuất khẩu đi các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật, Nga, Mỹ, Ấn Độ… thu về hàng ngàn tỉ đồng/năm.
Cây dứa ở vùng Đồng Giao tỉnh Ninh Bình, với diện tích 3.500 ha của 1.500 hộ dân, sản lượng hàng năm đạt từ 50 - 60 ngàn tấn. Toàn bộ vùng trồng dứa nguyên liệu có một hệ thống giao thông đi lại hoàn chỉnh và có một nhà máy chế biến dứa xuất khẩu của Công ty CP thực phẩm Đồng Giao với công suất 1.000 tấn sản phẩm/năm. Riêng dây chuyền nước dứa cô đặc 5000 tấn/năm.
So với các tỉnh, Nghệ An có lợi thế hơn ở chỗ: Đất rộng, người đông, lắm cây, nhiều con. Nhưng, điều kiện để phát triển nhanh và mạnh như ở một số tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như đã nói ở trên. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao và mục tiêu giảm nghèo bền vững không dễ dàng. Tại Nghệ An, nhiều năm trước đây tỉnh đã tập trung đầu tư mạnh vào 2 cây mía và sắn ở các huyện miền núi, với mục đích khai thác tiềm năng về đất đai, lao động ở vùng các huyện miền núi, nhất là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số để xoá đói, giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Ngày ấy tỉnh đã mạnh dạn cùng một lúc tập trung đầu tư đồng bộ cả 3 việc: Triển khai phát triển sản xuất vùng nguyên liệu, tiến hành xây dựng hệ thống vùng nguyên liệu và đồng thời xây dựng nhà máy chế biến. Bằng cách làm như vậy, Nghệ An đã có vùng nguyên liệu mía 28.000 ha ở 3 vùng thuộc 3 nhà máy chế biến đường có tổng công suất 15.500 tấn mía/ngày. Vùng nguyên liệu sắn 12.000 ha gắn liền với 4 nhà máy chế biến tinh bột sắn có tổng công suất 1.400 tấn củ sắn tươi/ngày. Từ ngày có vùng nguyên liệu mía, sắn gắn liền với nhà máy chế biến thì đời sống của bà con nông dân ở những vùng này thực sự đổi đời.
Bà Trần Thị Ngoan ở xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ tâm sự, quê hương chúng tôi ngày xưa là một vùng quê nghèo, đường sá đi lại khó khăn. Từ ngày nhà nước khuyến khích trồng cây mía để phục vụ cho nhà máy chế biến đường của Công ty mía đường sông Con, quê tôi đổi đời hẳn, đời sống no đủ, nhà cửa khang trang, đường sá rộng rãi, chẳng thấy ai đói, hộ nghèo cũng không còn.
Từ những thực trạng cả trong và ngoài tỉnh nói trên, ngoài việc tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững như hiện nay, đề nghị Trung ương và tỉnh khi đã có quy hoạch xác định đúng tiềm năng phát triển cây, con nào đó, nên có biện pháp căn cơ tập trung đầu tư mạnh, đầu tư đồng bộ cùng một lúc vừa phát triển vùng nguyên liệu, vừa xây dựng hệ thống giao thông trong vùng nguyên liệu, vừa khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến cho từng cây, con.
Riêng ở Nghệ An, có thể tập trung đầu tư phát triển và chế biến sản phẩm các cây: chè Shan Tuyết, gừng ở huyện Kỳ Sơn; cây quế Quỳ ở huyện Quế Phong, cây dứa ở huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Tân Kỳ và con trâu bò ở các huyện vùng Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong.
Trước mắt, nhà đầu tư nào phù hợp với cây, con nào thì tiến hành triển khai trước. Vấn đề cốt lõi là tìm kiếm nhà đầu tư có đủ khả năng, có tâm huyết để xây dựng nhà máy chế biến. Về phía tỉnh tranh thủ mọi nguồn vốn cả Trung ương và địa phương, lồng ghép nhiều chương trình để phát triển hệ thống giao thông trong vùng nguyên liệu và có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu. Nếu làm được như vậy, không những giảm nghèo bền vững mà còn xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá về phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản hàng hoá.