Quay lại

Nghệ An trong việc xác lập và phát triển mối quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản thời trung đại (Kỳ 2)

Trần Mạnh Cường  |   19/12/2023

Nhìn lại lịch sử các nước “Đồng văn” chúng ta nhận thấy rằng: so với các nước đồng văn khác, Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ hữu nghị vững bền hơn, sâu sắc hơn, bởi nó không phải là quan hệ thiên triều - phiên thần như Trung Hoa và Đại Việt, cũng không phải mối quan hệ cùng triều cống cho Trung Hoa như Triều Tiên và Đại Việt, mà mối quan hệ Việt - Nhật được xây dựng nên từ những sự kiện về ngoại giao và đặc biệt là mối quan hệ giao lưu về kinh tế - văn hoá. Mối quan hệ này không phải mới chỉ bắt đầu vào thời hiện đại mà nó đã có cơ sở rất lâu từ thời phong kiến mà nổi bật nhất là thời kỳ “Châu ấn thuyền” của nước Nhật Bản nửa đầu thế kỷ XVII, trong đó, mảnh đất Nghệ An là nơi đặt nền móng và để lại một dấu son rực rỡ trong mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp đó.

 ... Đến mối thâm tình lịch sử
Bức thư do Phúc Nghĩa hầu Nguyễn Cảnh Đoan được viết vào năm 1591 thì một năm sau - năm 1592, Nhật Bản mở ra thời kỳ “Châu ấn thuyền” - thời kỳ mở rộng ngoại giao và thương mại thịnh vượng nhất của họ đối với đất nước ta. Chính quyền Nhật Bản đương thời đã cấp “Châu ấn trạng” - tờ giấy cấp cho thương thuyền đi buôn bán ở khắp nơi trên thế giới, có đóng ấn triện son của Tướng quân Mạc phủ cho hàng ngàn thương thuyền sang buôn bán tại thương cảng Phố Hiến (Hưng Yên) và đặc biệt là Phục Lễ (Hưng Nguyên - Nghệ An). Lúc bấy giờ thương cảng Phục Lễ là một trong những thương cảng quốc tế sầm uất và quan trọng bậc nhất nước ta, có quan hệ kinh tế với nhiều quốc gia mà nhiều nhất là các thương thuyền Nhật Bản. Tuy nhiên, sau này vì lí do khách quan và chủ quan nên thương cảng một thời vang bóng này đã suy tàn và hoàn toàn biến mất, không mấy ai biết đến. Bức quốc thư này tuy ngắn nhưng đã gợi mở được nhiều điều về mối quan hệ Việt - Nhật trong lịch sử, đây thực sự là bằng chứng gốc rất có giá trị để nghiên cứu thêm về mối quan hệ ngoại giao nói chung và hoạt động giao thương Việt - Nhật nói riêng đã có từ rất sớm mà cụ thể là trước những năm 1591.
Nước Nhật Bản đầu thế kỷ XVII, sau khi trải qua một thời gian dài nội chiến, năm 1600 đất nước cũng được thống nhất dưới thời Toyotomi Hideyoshi 豊 臣 秀 吉 (Phong Thần Tú Cát) và tiếp đến là dòng họ Tokugawa 徳 川 (Đức Xuyên) đã mở ra một thời kỳ hoà bình thống nhất. Đây là khoảng thời gian quý báu để Nhật Bản phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. 
Dưới thời các Tướng quân Tokugawa Ieyasu cầm quyền đã có những chủ trương thiết lập mối quan hệ hữu nghị mà đặc biệt là mối quan hệ thương mại với các nước láng giềng. Tướng quân Tokugawa cũng mong muốn thông qua các hoạt động thương mại này cho các nước thấy được ông đã thống nhất và xác lập một chính quyền trung ương tại Nhật Bản. Vì vậy Tướng quân Tokugawa Ieyasu rất coi trọng quan hệ thương mại với các nước ở Đông Nam Á. Để tăng cường quan hệ ngoại giao và thương mại với các đất nước ở đây, các Tướng quân đã ban hành một chính sách bắt buộc đối với các thuyền buôn của Nhật Bản đó là khi giao thương với bên ngoài phải mang theo tờ giấy có đóng ấn triện son của Mạc phủ 幕 府 (Bakufu) gọi là “Châu ấn trạng” 朱 印 狀 (Shuinjo) và các bức “thân thư” có đóng triện son của các Tướng quân gửi cho các vua chúa tại các nước Đông Nam Á. Các thuyền buôn mang “Châu ấn trạng” được gọi là “Châu ấn thuyền” 朱 印 船 (Shuinsen). Còn thời kỳ này được gọi là “Thời đại Châu ấn thuyền” đánh dấu một nét rất đặc biệt trong lịch sử Nhật Bản. Với chế độ này, chỉ những tàu nào có “Châu ấn trạng” mới được phép đi ra nước ngoài buôn bán và ngược lại, các tàu nước ngoài muốn đến Nhật để buôn bán cũng cần phải có giấy phép của Mạc phủ Tokugawa. Thông qua hình thức này, chính quyền Mạc phủ Tokugawa muốn xác lập uy quyền của mình trong quan hệ quốc tế và hơn hết là đảm bảo an toàn cho các tàu buôn của Nhật tránh khỏi nạn cướp biển.
Vì đặc điểm “phân tranh” của lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII nên thời kỳ Mậu dịch Châu ấn thuyền của Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng bởi yếu tố địa lý. Thương gia Nhật Bản buôn bán với cả 2 xứ Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài của Đại Việt. Cùng với sự củng cố của chính quyền Mạc phủ, mối giao lưu giữa Nhật và Việt ngày càng phát triển với chính sách mở cửa của hai bên. Hai nước đã có một mối quan hệ khá mật thiết về kinh tế cũng như ngoại giao. Trong thời kỳ Mậu dịch Châu ấn thuyền (1604 - 1634), số lượng thuyền buôn Nhật Bản tới Việt Nam chiếm số lượng gần một nửa tổng số thuyền tới buôn bán tại Đông Nam Á. Tại Việt Nam, người Nhật Bản giao thương với các thương cảng ở cả Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong. Năm 1603, Tướng quân Tokugawa Ieyasu cấp Châu ấn trạng “Thuyền buôn từ Nhật Bản tới Đông Kinh” 自 日 本 到 東 京 商 船也 (tự Nhật Bản đáo Đông Kinh thương thuyền dã) cho thương gia Siminokura Ryoi. Qua đây cũng đủ thấy được chính quyền Mạc phủ đương thời rất coi trọng mối bang giao cũng như việc thương mại với nước ta. Người Nhật thường đem kiếm, áo giáp cũng như các loại vũ khí để bán và thu mua tơ lụa, vải vóc, đồ gốm sứ, đường, vàng... 
Ngoài thương cảng lớn của nước ta tại Đàng Ngoài là Phố Hiến thì tại Đàng Ngoài, một thương cảng tầm cỡ thu hút được các thuyền buôn ngoại quốc đó chính là thương cảng Phục Lễ (nay thuộc Hưng Nguyên, Nghệ An). Tuy nhiên, khác với thương cảng Phố Hiến (Hưng Yên) và Hội An (Quảng Nam), thương cảng Phục Lễ ngày nay hầu như không còn giữ được bất cứ một di sản, di tích nào liên quan nên chúng ta khó có thể hình dung diện mạo cũng như quy mô giao thương tại đây, và mọi thông tin về thương cảng một thời vang bóng này chỉ còn tồn tại trong các thư tịch của Nhật Bản.
Sách Cận Đằng chính trai toàn tập 近 藤 正 齋 全 集 (phần Ngoại phiên thông thư) ghi chép về các bức văn thư trao đổi giữa chính quyền Nhật Bản với chính quyền Việt Nam (cả 2 xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong) thế kỷ XVI - XVII, cho chúng ta thấy rõ hơn về những sự kiện ngoại giao và thương mại cũng như những hoạt động nổi bật liên quan giữa hai nước Việt - Nhật. Chính vì vậy chúng ta vẫn có thể tìm thấy trong đó những yếu tố liên quan tới thương cảng Phục Lễ cũng như những hoạt động thương mại của người Nhật tại Nghệ An trong lịch sử. Theo bức thư Thuỵ Quốc công Nguyễn Phúc Nguyên (Đàng Trong) gửi Quốc vương Nhật Bản ngày 11 tháng 5 năm Hoằng Định thứ 5 (1604) có đoạn như sau: 
Nguyên văn: [...] 玆 歲 通 商 舶 只 要 就 職 本 國 以 便 貿 易 若 清 華 乂 安 等 處 素 與 職 相 為 讎 敵 萬 望 國 王 業 已 交 愛 於 理 宜 禁 止 商 舶 勿 許 通 往 彼 處 言 不 爽 信 王 其 鑒 焉.
Phiên âm:
[...] Tư, tuế thông thương bạc chỉ yếu tựu chức bản quốc dĩ tiện mậu dịch. Nhược Thanh Hoa, Nghệ An đẳng xứ tố dữ chức tương vi thù địch. Vạn vọng Quốc vương nghiệp dĩ giao ái ư lý cấm chỉ thương bạc vật hứa thông vãng bỉ xứ. Ngôn bất sảng tín, Vương kỳ giám yên.
Dịch nghĩa:
[...] Nay, thuyền buôn hàng năm chỉ nên đến nước của bản chức để tiện việc buôn bán. Còn như các xứ Thanh Hoa và Nghệ An với bản chức vốn là thù địch. Vậy rất mong Quốc vương vốn đã có mối giao tình ở đây nên cấm hẳn những thương thuyền chớ cho qua lại nơi ấy. Lời nói chẳng nên mất tin, mong Quốc vương soi xét việc đó.
Qua bức thư trên, chúng ta thấy rõ mối lo ngại của phía chính quyền Đàng Trong về việc các thương gia Nhật Bản đặt quan hệ và giao thương tại Nghệ An. Điều này cho thấy thương cảng Phục Lễ cũng là nơi có vị thế quan trọng và là một trong những thương cảng quốc tế lớn tại Đàng Ngoài. Sứ thần kiêm học giả lớn của nước Triều Tiên là Lý Toái Quang (người từng gặp gỡ và giao lưu với sứ thần nước ta là Phùng Khắc Khoan tại Trung Hoa), trong “Triệu Hoàn Bích truyện” ở quyển thứ 23 thuộc tác phẩm “Chi Phong tiên sinh tập” có viết về một tù binh người Hàn là Triệu Hoàn Bích từng 3 lần sang Việt Nam bằng Châu ấn thuyền của Nhật Bản, trong đó có nói rõ: 
安南去日本海路三萬七千里由薩摩州開洋歷中朝漳州廣東等界抵安南興元縣縣距其國東京八十里乃其國都也
“An Nam cách Nhật Bản 3 vạn 7 ngàn dặm đường biển. Bắt đầu từ Satsumanokuni qua các nơi Chương Châu và Quảng Đông của Trung Hoa là tới huyện Hưng Nguyên của nước An Nam. Huyện này cách Đông Kinh - kinh đô của nước đó 80 dặm”.
Phục Lễ - chợ Tràng ở Hưng Nguyên là một khu chợ lớn, họp chợ quanh năm (phải chăng nó được thể hiện ở chữ “Tràng” trong chữ Hán nghĩa là bãi rộng?) nên dân gian xứ Nghệ có câu: 
“Chợ Tràng tháng hăm bảy phiên. 
Ai đi bộ cứ bước, ai đi thuyền cứ đi”
Ở đây từ cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17 đã có phố Nhật dựng lên để buôn bán trao đổi nhiều mặt hàng đặc sản của nhiều vùng miền trong nước, nước ngoài, như thuốc bắc, lụa là, bút lông mực tàu, sách, giấy dó, cúc mã não, chè ô long, sâm Cao Ly… đúng như trong gia phả dòng họ Nguyễn Cảnh ghi chép “bấy giờ, dân buôn các châu quận ở nước ngoài qua lại liên tục”.
Tiếp đến là người Hoa ở Quảng Đông, Phúc Kiến lập làng Minh Hương và phố buôn, họ gọi theo tên bến đò ở đó là phố Phù Thạch, việc buôn bán ngày càng phồn thịnh, trở thành đô thị và cảng chợ sầm uất. Phố/thị Phù Thạch thuộc cảng Phục Lễ/ chợ Tràng nằm ngay ở bờ sông Lam song song trên con đường thiên lý, cách cửa biển (Đan Nhai) một khoảng cách hợp lý (tầm 10km) là trung tâm thương mại quốc tế trong gần 3 thế kỷ. Nhưng nếu không có các biến động lớn về chính trị, thiên tai… thì Phục Lễ chắc vẫn còn vẹn nguyên như Hội An (Quảng Nam), Phố hiến (Hưng Yên).
Đặc biệt, trong phần Ngoại phiên thông thư còn có rất nhiều bức thư khác từ phía chính quyền Lê - Trịnh gửi sang Nhật Bản nói về một sự kiện thương thuyền Nhật Bản không may bị đắm tại cửa biển Đan Nhai vào đầu năm 1611 cùng với những nỗ lực của phía Việt Nam nói chung và các vị quan tại Nghệ An nói riêng trong việc cứu tế. Để hiểu rõ hơn về sự việc này, chúng tôi xin được cung cấp toàn văn những bức quốc thư này và dịch sang tiếng Việt như sau:
Bức quốc thư của Văn Lý hầu Trần Tịnh giữ chức Chưởng Giám sự ở Tổng Thái giám xứ Nghệ An gửi sang Nhật Bản:
Nguyên văn:
安 南 國 乂 安 處 總 太 監 掌 監 事 文 理 侯 達 書 與 日 本 國 艚 鐵 長 弟 莊 左 衛 門 彥 兵 忠 左 甚 右 源 右 多 右 傳 兵 彥 二 善 左 隆 右 彌 右 吉 左 喜 兵 又 右 與 次 右 亶 次 甚 三 等 原 行 住 角 藏 曹 難 尾 合 得 一 百 五 人 其 本 處 官 大 都 堂 右 府 舒 公 文 理 侯 駙 馬 官 廣 富 侯 公 意 欲 功 德 恰 憫 遠 國 饑 饉 之 情 以 家 物 給 養 全 生 再 起 京 拜 稟 主 上 德 廣 給 與 粮 衣 旨 判 令 回 日 本 幸 甚 其 大 都 堂 舒 公 等 官 結 作 船 艘 許 回 本 國 以 全 功 德 之 義 玆 達 書 回 日 本 國
弘 定 拾 壹 年 貳 月 一 𤆦 日
Dịch nghĩa:
Chưởng Giám sự ở Tổng Thái giám xứ Nghệ An nước An Nam là Văn Lý hầu gửi thư cùng thuyền trưởng Đệ Trang Hữu Vệ Môn, Ngạn Binh, Trung Tả, Thậm Hữu, Nguyên Hữu, Đa Hữu, Truyền Binh, Ngạn Nhị, Thiện Tả, Long Hữu, Di Hữu, Cát Tả, Hy Binh, Hựu Hữu, cùng với Thứ Hữu, Đàn Thứ, Thậm Tam của Nhật Bản. 
Nguyên thuyền Giác Tàng gặp nạn, cuối cùng hợp được 105 người. Quan bản xứ là Đại Đô đường Hữu phủ Thư Quận công, Văn Lý hầu, Quan Phò mã Quảng Phú hầu muốn ban công đức, xót thương tình cảnh đói rét của người viễn xứ, nên lấy của cải trong nhà cấp dưỡng để bảo toàn sự sống. Lại lên kinh bẩm với Chúa Thượng ra ơn rộng cấp lương thực đồ áo, rồi ra chỉ lệnh cho về Nhật Bản. Thật may mắn là các quan Đại Đô đường Thư Quận công cho đóng tàu thuyền tiện đường về nước để vẹn toàn cái nghĩa công đức. Nay gửi thư sang nước Nhật Bản.
Ngày mồng 1 tháng 2 năm Hoằng Định thứ 11 (1610).
20 ngày sau khi Văn Lý hầu Trần Tịnh viết bức quốc thư trên, một võ tướng người Nghệ khác là Quảng Phú hầu Nguyễn Cảnh Hà tiếp tục gửi văn thư tới Quốc vương Nhật Bản nói rõ sự việc:
Nguyên văn:
安 南 國 揚 武 威 勇 功 臣 錦 衣 衛 署 衛 事 駙 馬 都 尉 廣 富 侯 臺 下 裁 探 文 書 賚 達 于 日 本 國 國 王 殿 下. 兪 允 洞 察 淺 言. 往 年 有 日 本 艚 艚 長 角 藏 等 盛 載 貨 物 五 月 十 一 日 纔 到 本 國 乂 安 處 地 分 宿 往 .本 處 官 謹 備 啟 來 .其 臺 下 繼 出 將 門, 預 操 兵 柄, 以 主 上 之 義 壻, 受 黎 皇 之 厚 恩. 緣 有 家 事, 恭 稟 榮 鄉, 伏 蒙 主 上 特 差 其 臺 下 奉 辭 巡 守 日 本 福 建 等 艚 開 立 庸 舍 以 便 賣 買. 且 臺 下 探 知 角 藏 心 中 謹 厚, 結 為 義 養. 至 六 月 十 六 日 角 藏 等 辭 回 到 海 門 外, 卒 遇 風 波, 其 角 藏 等 共 十 三 人 投 身 跨 浪, 不 幸 俱 逝. 存 親 弟 庄 左 衛 門 及 客 商 彥 兵 中 左 甚 右 傳 兵 源 右 多 右 彥 次 善 左 隆 右 彌 右 并 船 役 人 善 次 吉 左 甚 三 等 合 百 人 餘 擺 尋 生 路, 幸 而 得 活. 其 臺 下 任 差 兵 卒 索 救 將 回 私 第 , 給 養 四 十 九 人. 其 臺  下 嚴 侍 大 都 堂 右 府 舒 郡 公 憐 養 三 十 九 人, 與 掌 監 文 理 侯 祗  養 二 十 六 人, 共 分 貸 衣 食. 其 庄 左等 得 聊 其 生, 大 抵 皆 由 臺 下 仁 慈 力 量. 玆 臺 下 業 已 施 恩 欲 全 庄 左 等 性 命, 再 遞 引 等 曹 詣 闕 拜 謁, 其 臺 下 冒 瀆 聖 意 曲 降 洪 恩, 伏 乞 令 許 理 作 船 艘 與 庄 左 等 任 便 回 國, 庶 其 全 歸 鄉 貴. 庄 左 等 得 域 國 王 而 自 得 酬 師 文 義 恩, 得 慰 妻 子 願 望, 則 其 臺 下 之 功 之 德 不 特 度. 得 庄 左 等 餘 曹 而 臺 下 之 譽 之 名 亦 於 本 鄰 兩 國. 恭 望 殿 下 觀 覺 嘉 納 以 知 柔 遠 之 心 以 表 和 親 之 義 片 言 草 草 謹 備 文 書
弘 定 十 一 年 二 月 二 十 日
Dịch nghĩa:
Dương vũ Uy dũng công thần, Cẩm Y vệ, Thự vệ sự, Phò mã Đô úy Quảng Phú hầu nước An Nam soạn thảo văn thư gửi tới Quốc vương Điện hạ nước Nhật Bản. Kính mong xét thấu lời thưa nông cạn này: Năm ngoái có thuyền trưởng thuyền Nhật Bản là bọn Giác Tàng chở đầy hàng hóa, ngày 11 tháng 5 thì tới trú tại địa phận xứ Nghệ An của An Nam. Quan bản xứ đã cẩn thận trình báo đầy đủ. Đài hạ (chỉ Quảng Phú hầu Nguyễn Cảnh Hà) vốn xuất thân dòng võ tướng, nắm giữ binh quyền, nhờ là con rể của chúa Trịnh, lại nhận được ơn sâu của vua Lê. Nhân có việc nhà, kính bẩm xin được về quê. Lại được Chúa Thượng đặc sai Đài hạ vâng mệnh thị sát các thuyền Nhật Bản và Phúc Kiến xây mở phố xá để tiện buôn bán. Vả lại, Đài hạ dò biết Giác Tàng có tấm lòng cẩn hậu nên kết làm con nuôi. Đến ngày 16 tháng 6, bọn Giác Tàng từ biệt trở về. Khi tới ngoài cửa biển bỗng gặp sóng gió, bọn Giác Tàng tất cả 13 người thân trôi theo sóng chẳng may chìm cả. Chỉ còn Thân Trang Tả Vệ Môn và các thương nhân là Ngạn Binh, Trung Tả, Thậm Hữu, Truyền Binh, Nguyên Hữu, Đa Hữu, Ngạn Thứ, Thiện tả, Long Hữu, Di Hữu cùng với những người phục vụ trên thuyền là Thiện Thứ, Cát Tả, Thậm Tam tất cả hợp trăm người cố tìm đường sống, may mà được thoát. Đài hạ liền sai binh lính tìm cứu đem về nhà riêng cấp dưỡng 49 người, cha của Đài hạ là Đại đô đường Hữu phủ Thư Quận công thương xót nuôi dưỡng 39 người cùng với Chưởng giám Văn Lý hầu kính trọng nuôi dưỡng 26 người, tất cả đều được phân chia quần áo, lương thực. Bọn Trang Tả nhờ đó mà được sống. Đại để đều do Đài hạ đã hết sức yêu thương. Nay Đài hạ đã ban ơn muốn trọn vẹn tính mệnh của bọn Trang Tả nên lại dẫn họ đến cửa khuyết bái yết. Đài hạ mạo muội xin Thánh Thượng ban ơn sâu, cúi xin lệnh cho sửa đóng tàu thuyền để bọn Trang Tả tiện về nước để tất cả đều được trở lại quê hương. Bọn Trang Tả được về nước với quốc vương mà tự được báo đáp ân nghĩa, an ủi được mong ngóng của vợ con, thì công đức của Đài hạ không thể đo lường nổi. Bọn Trang Tả được vẹn toàn ấy là danh dự của Đài hạ cũng ở tại mối láng giềng hai nước. Kính mong Điện hạ xem xét để biết tấm lòng đối với người phương xa và cái nghĩa thân ái của bản quốc. Tấc lời sơ sài này được thảo ra văn thư.
Ngày 20 tháng 2 năm Hoằng Định thứ 11 (1610).
Ngày 3 tháng 3 năm đó, thân phụ của Quảng Phú hầu Nguyễn Cảnh Hà là Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên cũng viết bức quốc thư nói về sự kiện này gửi tới Quốc vương Nhật Bản:
Nguyên văn:
安 南 國 老 中 軍 都 督 府 右 都 督 兼 知 太 醫 院 掌 院 事 舒 郡 公 臺 下 裁 探 文 書 冒 達 日 本 國 國 王 殿 下 洞 察 淺 言 往 年 有 日 本 艚 艚 長 角 藏 等 裝 載 貢 物 五 月 拾 壹 日 纔 到 本 國 乂 安 道 地 分 販 賣 臺 下 恭 稟 主 上 令 差 回 買 日 本 福 建 等 艚 貢 物 進 納 至 陸 月 拾 壹 日 角 藏 等 辭 回 到 丹 涯 海 門 急 遇 風 波 其 角 藏 等 共 拾 參人 沈 溺 而 逝 其 弟 庄 左 衛 門 及 客 商 役 目 等 共 壹 百 人 餘 幸 而 擺 脫 臺 下 聞 知 任 差 兵 士 索  救 將 回 分 給 衣 食 茲 臺 下 深 軫 庄 左 等 曹 寄 跡 他 鄉 思 回 本 國 仍 差 人 遞 引 詣 闕 拜 謁 其 臺 下 冒 牘 迂 言 轉 撥 聖 意 幸 蒙 令 許 理 作 船 艘 餞 庄 左 等 曹 任 便 回 國 仍 撮 事 因 謹 備 文 書 冒 達 國 王 裁 察 庶 成 鄰 好 之 義 書 不 盡 言 謹 具
弘 定 拾 壹 年 肆 月 初 參 日
Dịch nghĩa:
Quốc lão nước An Nam, Trung quân Đô đốc phủ, Hữu đô đốc kiêm Chưởng viện sự coi Thái y viện Thư Quận công Đài hạ soạn thảo văn thư, mạo muội gửi tới Quốc vương Điện hạ nước Nhật Bản. Kính mong xét thấu lời thưa nông cạn này: 
Năm ngoái, có thuyền trưởng thuyền Nhật Bản là bọn Giác Tàng chuyên chở cống phẩm, ngày 11 tháng 5 thì tới địa phận đạo Nghệ An của bản quốc để buôn bán, Đài hạ (chỉ Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên) đã kính bẩm với Chúa Thượng ra lệnh thu mua cống phẩm của các thuyền Phúc Kiến, Nhật Bản để tiến nạp. Đến ngày 11 tháng 6 thì bọn Giác Tàng từ biệt ra về, khi đến cửa biển Đan Nhai bỗng gặp sóng gió. Bọn Giác Tàng gồm 13 người bị chìm và chết đuối, còn Đệ Trang Tả Vệ Môn cùng với các thương nhân và người phục vụ trên thuyền khác gồm hơn 100 người may mắn thoát được. Đài hạ nghe tin, liền sai binh sĩ tìm cứu đem về, phân phát áo cơm. Nay Đài hạ thương xót bọn Trang Tả đang gửi thân nơi đất khách lòng đang mong ngóng muốn trở về quê hương nên sai người đưa dẫn tới bái yết triều đình. Đài hạ mạo muội dâng thư chuyển lời đến Thánh Thượng, may mắn được nhận lệnh cho sửa chữa tàu thuyền cho bọn Trang Tả tiện đường về nước. Nhân đây tóm lược sự việc, cẩn trọng soạn thảo văn thư, mạo muội dâng lên Quốc vương xem xét, mong cầu thành tựu được cái nghĩa láng giềng tốt đẹp. Thư chẳng hết lời. Kính cẩn.

Ngày 11/10/1975, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Văn Tiến thay mặt Chính phủ Việt Nam và Đại sứ Kiiôxi Xưganưma Nhật Bản ký văn bản về việc sử dụng viện trợ không hoàn lại trong năm tài chính 1975

Ngày mồng 3 tháng 4 năm Hoằng Định thứ 11 (1610).
Qua 3 bức thư kể trên chúng ta thấy rõ 3 vị quan Nghệ là Văn Lý hầu Trần Tịnh, Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Quảng Phú hầu Nguyễn Cảnh Hà chính là những người đã chỉ đạo quân dân Nghệ An cứu vớt thương nhân Nhật Bản khi họ không may bị đắm thuyền ở cửa biển Đan Nhai. Sau đó họ chia nhau đem người Nhật Bản về nhà riêng nuôi dưỡng, chu cấp đầy đủ mọi thứ: Văn Lý hầu Trần Tịnh nhận nuôi 26 người, Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên nhận nuôi 39 người, Quảng Phú hầu Nguyễn Cảnh Hà nhận nuôi 49 người, tất cả đều được chăm sóc đặc biệt. Đoàn thương nhân Nhật Bản còn được dẫn tới triều đình, xin chúa Trịnh ra ơn cho đóng thuyền để trở về nước. Sự việc này đã thắt chặt thêm mối quan hệ giao thương nói riêng và ngoại giao nói chung giữa 2 nước Việt - Nhật. Nghĩa cử cao đẹp này khiến cho chính quyền Nhật Bản đương thời vô cùng cảm kích và xem đây như mối ân tình lịch sử lớn giữa hai nước. Chính vì vậy nên 1 thế kỷ sau, khi “tỏa quốc” đóng cửa với bên ngoài, Nhật Bản vẫn đối xử rất tốt với những người Việt bị nạn trên biển. Bằng chứng rõ ràng nhất là vào khoảng những năm Chính Hoà, một số người dân nước ta gặp nạn trên biển trôi dạt tới Nhật Bản đã được cứu giúp sau đó gửi thuyền buôn Trung Hoa cho về nước. Sự kiện này được chép rõ trong Ngoại phiên thông thư, đó là bức thư của Quốc vương An Nam gửi tới quan Trấn thủ Trường Kỳ, tỏ lòng biết ơn về việc chính quyền Nhật Bản đương thời đã cứu người dân Việt Nam. Bức thư nguyên văn như sau:
安南國王書達于日本貴國長崎鎮守王閣下竊聞信以交鄰是聖經之明訓恩推涵育乃仁者之本心曩者有安南民漂到貴國賴鎮守王德體好生最弘惠養纔有大明客船主李才官經到貴國聞有安南民在此乃領九人弟回本國其恩竊念難勝個義將何以答玆有土產薄物奇南香上品一片付與船主李才官肅將敬謝如其性者必款納之始終結好相親使兩國利通販賣玆後愈加恩愛則億年義重岳山玆書
正和十五年閏五月十八日
Dịch nghĩa:
Quốc vương nước An Nam gửi thư tới Trấn thủ vương Trường Kỳ nước Nhật Bản. Trộm nghe: chữ tín là để kết giao láng giềng, ấy là lời dạy từ trong thánh kinh vậy. Vun đắp ơn sâu, ấy là bản tâm của người có nhân. Trước đây, có người dân An Nam trôi dạt tới quý quốc, nhờ Trấn thủ vương ra đức hiếu sinh, mở rộng ơn cứu giúp. Lại vừa có chủ thuyền khách là Lý Tài Quan của nước Đại Minh tới quý quốc nghe rằng có người dân An Nam ở đó, liền nhận 9 người đưa về nước. Ơn đó trộm nghĩ khó có gì hơn, nghĩa đó biết lấy gì báo đáp. Nay có vật mọn thổ sản là 1 tấm kỳ nam thượng hạng giao cho chủ thuyền Lý Tài Quan cẩn thận đem sang [quý quốc] dâng lên kính biếu, nếu [quí ngài] có lòng thì xin nhận khoản giao nạp này, để trước sau kết hiếu tương thân, khiến 2 nước thông suốt việc buôn bán. Từ nay về sau càng thêm ân ái thì vạn năm nghĩa nặng như núi vậy. Nay thư.
Ngày 18, nhuận tháng 5, năm Chính Hoà thứ 15 (1695).
Bức thư này được viết năm 1695, tức cách thời điểm Nhật Bản “toả quốc” đóng cửa với bên ngoài hơn 50 năm. Trong khoảng thời gian này những thương thuyền từ Nhật Bản không còn sang Việt Nam buôn bán và mối quan hệ thương mại giữa hai nước cũng bị gián đoạn. Nhưng thông qua sự kiện trên đã cho chúng ta thấy Nhật Bản lúc bấy giờ vẫn giữ mối thân tình hữu hảo với nước ta. Điều này cho thấy tinh thần tương trợ, tấm lòng “nhu viễn” và cái nghĩa thân ái từ nghĩa cử của 3 vị quan người Nghệ nói trên đã vượt lên cả thời gian và không gian, trở thành một dấu son rực rỡ trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. 

Ngày 21/4/1972, hàng ngàn nhân dân Nhật Bản biểu tình tại thủ đô Tokyo phản đối Mỹ ném bom Hà Nội, Hải Phòng và đòi Mỹ chấm dứt ném bom nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
Bên cạnh đó, tại xứ Nghệ còn có dòng họ là Trần và họ Nguyễn Huy tại Can Lộc cũng có mối quan hệ mật thiết với Nhật Bản. Văn Lý hầu Trần Tịnh từng nhận một người con gái Nhật Bản làm con nuôi, đổi họ tên Việt là Trần Thị Dưỡng Nương. Bà Dưỡng Nương (tục gọi là Mệ Bà) sau được gả cho Mỹ Lương tử Nguyễn Như Thạch (1579-1662) dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu. Gia phả dòng họ Nguyễn Huy cho biết cụ Trần Tịnh trên đường dẹp giặc Đầm Hồng đã cứu và đưa người con gái Nhật về làm con nuôi. Khi cụ Nguyễn Như Thạch tại triều, bà Trần Thị Dưỡng Nương theo ra Thăng Long hầu hạ. Bà được dòng họ Nguyễn Huy đề cao vai trò và công lao trong việc giáo dục con cái, tạo ra nền nếp tốt đẹp cho dòng họ. Sự việc này được chép trong một bài tựa là “Hạ Nguyễn tiến triều Quý hầu gia môn vinh thịnh tự” (Bài tựa dòng dõi vẻ vang thịnh đạt mừng Nguyễn Quý hầu được dự vào triều đình) của hậu duệ đời thứ 8 của dòng họ Nguyễn Huy là Nho sinh Nguyễn Công Phác soạn vào năm Quý Sửu niên hiệu Chính Hòa thứ 14, trong đó có đoạn ghi rằng: (Dịch nghĩa: … Thứ hiển tỷ họ Trần, hiệu là Từ Kiệm, xuất giá từ làng Nguyệt Ao, vốn người Nhật Bản, mà cái ơn nuôi dưỡng xứng xếp hàng nhất, từ đó nhìn ra gia đạo ngày càng thịnh vượng…). Dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu là một “sĩ tộc” nhiều đời khoa bảng tại xứ Nghệ, có nhiều đóng góp đối với lịch sử và văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, việc một người phụ nữ Nhật Bản về đây làm dâu và gây dựng nền nếp gia phong quả là một kỳ tích đáng ngưỡng vọng, một hình ảnh tốt đẹp của xứ Nghệ nói riêng và nước Việt nói chung trong mối quan hệ ngoại giao với nước Nhật Bản.
Những điều nói trên đã trở thành dấu ấn đậm nét mối quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản từ thời kỳ trung đại, đồng thời nâng cao nhận thức về vị trí địa chính trị và tầm vóc lịch sử của mảnh đất Nghệ An trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Chứng minh mảnh đất Nghệ An không chỉ là nơi thuận lợi trong thời chiến: chỗ dựa vững chắc để đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc; mà còn là nơi “đất lành chim đậu” ở thời bình: thu hút thương mại quốc tế và giao lưu văn hóa với nhiều quốc gia. Đúc rút những bài học lịch sử, góp phần nâng tầm và phát triển mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản; Nghệ An - Nhật Bản ngày càng bền chặt. Điều này thực sự có ý nghĩa bởi trong những năm gần đây, Nhật Bản đang là nhà đầu tư trọng điểm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Thời kỳ Châu ấn thuyền và mối quan hệ thương mại giữa Nhật Bản với nước ta tuy không dài nhưng cũng đủ để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Ngày nay, thương cảng Phục Lễ tuy đã hoàn toàn biến mất và toàn bộ những dấu tích về quan hệ thương mại giữa hai nước tại Nghệ An cũng đã nằm sâu dưới đáy sông Lam, nhưng những bức thư bang giao đối với mối quan hệ hai nước vẫn mãi mãi trường tồn, xứng đáng trở thành biểu tượng của mối thân tình hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản.

Cùng chuyên mục