Nguyễn Trọng - Trung Cần: Dòng họ 4 đời 5 lần đi sứ và những đóng góp trên lĩnh vực bang giao
Hồ Thủy - Hồng Bắc |
8/11/2023
Sáng ngày 6/11, tại thành phố Vinh, Sở Khoa học và Công nghệ cùng với Viện Sử học, UBND huyện Nam Đàn, tổ chức Hội thảo khoa học “Dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần với sự nghiệp bang giao, xây dựng và bảo vệ đất nước”. Tham dự có đại diện các đơn vị: Viện Sử học Việt Nam; Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội; Viện Hán Nôm Việt Nam; Đại học Đại Nam; Ban dân vận Tỉnh ủy; Đại diện các sở, ban, ngành tỉnh, Huyện ủy- HĐND – UBND huyện Nam Đàn cùng đại diện các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh.
Toàn cảnh Hội thảo
PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ - Chủ tịch HĐKH Viện Sử học, TS Nguyễn Thị Minh Tú - GĐ Trung tâm KHXH&NV Nghệ An và Ông Vương Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, đồng chủ trì Hội thảo.
Chủ trì Hội thảo
Dòng họ Nguyễn Trọng ở làng Trung Cần, xã Nam Trung này là xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là một trong những dòng họ có truyền thống lịch sử văn hóa hơn 500 năm với nhiều nhiều nhân vật nổi tiếng, đóng góp phần quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là lĩnh vực ngoại giao, được ghi danh trong lịch sử nước nhà. Tiêu biểu cho dòng họ là có ba cha con ông cháu Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đương, Nguyễn Trọng Đường, đều thi đậu tiến sĩ và có 4 đời 5 lần được triều Lê, triều Nguyễn cử đi sứ nhà Thanh, Trung Quốc.
Đồng chí Vương Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn
phát biểu tại Hội thảo
TS Nguyễn Thị Minh Tú - GĐ Trung tâm KHXH&NV Nghệ An
phát biểu đề dẫn tại Hội thảo
Hội thảo đã nhận được 22 tham luận của các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu địa phương, các con cháu dòng họ… Các tham luận đã tập trung làm sáng tỏ về những đóng góp của các nhân vật trong dòng họ trên lĩnh vực bang giao, xây dựng và bảo vệ đất nước, từ đó làm căn cứ khoa học tiến tới xây dựng hồ sơ UNESCO ghi nhận kỷ lục dòng họ 4 đời 5 lần đi sứ Trung Quốc.
PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ phát biểu tham luận tại Hội thảo
Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ đi sâu phân tích các nhân tố cơ bản và chủ yếu đã tác động sâu sắc đến hành trạng, sự nghiệp, tư tưởng, thái độ và ý chí hành động của các vị Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đang và Nguyễn Đường. Đặc biệt, những biến cố chính trị cuối thế kỷ XVIII có liên quan trực tiếp đến sự nghiệp của Nguyễn Trọng Đương và Nguyễn Đường, đó là cuộc xung đột giữa triều Lê và phong trào Tây Sơn cũng được các tác giả chỉ ra và có những phân tích sâu sắc.
Tiến sĩ Lê Quang Chắn - Phó Viện trưởng điều hành Viện Sử học
trình bày bài tham luận tại Hội thảo
Tiến sĩ Lê Quang Chắn - Phó Viện trưởng điều hành Viện Sử học trong tham luận Con đường đi sứ phương Bắc và sự tham gia, đóng góp của dòng họ Nguyễn Trọng, TS đã cho thấy một hành trình đầy gian nan, vất vả, thậm chí hiểm nguy trên chặng đường từ Việt Nam (Thăng Long, hoặc Huế) đến kinh đô nhà Thanh (Bắc Kinh, Trung Quốc) của các sứ thần nước ta trước đây. Đó là những thách thức vô cùng to lớn mà các danh nhân dòng họ Nguyễn Trọng đã vượt qua trong các lần đi sứ của mình.
TS Ngô Vũ Hải Hằng với tham luận “Dòng họ Nguyễn Trọng với việc bảo vệ vùng biên giới phía Bắc ở thế kỷ XVIII"
Tại Hội thảo, trong tham luận Dòng họ Nguyễn Trọng với việc bảo vệ vùng biên giới phía Bắc ở thế kỷ XVIII, TS Ngô Vũ Hải Hằng đã trình bày một vấn đề rất cụ thể và khẳng định đây là một trong những cống hiến to lớn của dòng họ trong sự nghiệp bảo vệ đất nước trước sự xâm nhiễu của các thế lực bên kia biên giới trong thế kỷ XVIII.
TS Đỗ Thị Bích Tuyển cung cấp nguồn tư liệu Hán Nôm đáng tin cậy về sự kiện 4 đời 5 lần đi sứ của dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần
Dưới góc độ tư liệu, TS Đỗ Thị Bích Tuyển (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đã cung cấp một nguồn tư liệu Hán Nôm vô cùng phong phú và tin cậy bao gồm tài liệu chính sử (thời Lê, thời Nguyễn); tài liệu Đăng khoa lục, tài liệu về bang giao, tài liệu địa phương chí và bi ký khẳng định rõ về sự kiện 4 đời, 5 lần đi sứ của dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần.
Thảo luận tại Hội thảo
Những tham luận khác tại Hội thảo cũng đã làm rõ các vấn đề liên quan đến dòng họ và một vài nhân vật của dòng họ thời cận hiện đại và những đóng góp của dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần trên lĩnh vực bang giao, xây dựng và bảo vệ đất nước.
PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ phát biểu kết luận tại Hội thảo
Tổng kết tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ tiếp thu ý kiến các đại biểu tham dự, đồng thời nêu rõ:
Thứ nhất, Hội thảo đã đánh giá toàn diện, đầy đủ và có hệ thống về công lao, đóng góp của các tiến sĩ và dòng họ, đặc biệt làm rõ và khẳng định thông qua những tư liệu xác tín nhất là dòng họ có 4 đời liên tục với 5 lần đi sứ. Đây là nội dung mà Hội thảo khoa học trước còn băn khoăn và chưa có tư liệu gốc để xác định. Ngoài ra, Hội thảo cũng đã cung cấp một số nội dung mới, đặc biệt là thêm Hương cống Nguyễn Trọng Võ trong sự nghiệp bang giao.
Thứ hai, Hội thảo tiếp tục ghi nhận truyền thống về sự nghiệp bang giao, những đóng góp về mặt chính trị của dòng họ, trong đó đã làm rõ hơn nữa sự nghiệp chính trị của các vị tiến sĩ dòng họ thông thư tịch, sắc phong chức tước khi các cụ đảm nhận những cương vị khác nhau như làm quan ở triều đình và làm quan ở địa phương.
Thứ ba, Hội thảo đã dự kiến cách khai thác tư liệu trong tương lai vì tư liệu của dòng họ còn rất phong phú, dồi dào. Mở rộng ra công tác khai thác tư liệu ra ở các trung tâm lưu trữ ở Sài Gòn, ở Hà Nội, bổ sung thêm nguồn tư liệu ở Viện Hán Nôm, Viện Thông tin KHXH, Viện Văn học, Viện Sử học,… từ đó hệ thống lại tư liệu để tiếp tục xây dựng hồ sơ để công nhận giá trị di sản.
Thứ tư, với việc khẳng định sự kiện 4 đời 5 lần đi sứ của các vị tiến sĩ của dòng họ Nguyễn Trọng - Trung cần cần xây dựng hồ sơ để công nhận kỷ lục Giness Việt Nam. Tuy nhiên, dòng họ cần liên hệ Sở Văn hoa Thể thao Nghệ An để được tư vấn về cơ sở pháp lý và tư vấn khoa học của cơ quan chuyên môn.
Thứ năm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền lấy tên danh nhân dòng họ đặt tên đường, tên trường ở địa phương.
Thứ 6, hoàn tất hồ sơ công nhận nhà thờ chi 4, nhà thờ cổ có hàng trăm năm của dòng họ đề nghị Sở Văn hóa thể thao, trình UBND tỉnh xếp hạng di tích.
Trước Hội thảo, Ban tổ chức, đoàn đại biểu và đại diện dòng họ Nguyễn Trọng đã tổ chức dâng hương, dâng hoa tại Di tích lịch sử cấp quốc gia đình Trung Cần, nhà thờ đại tôn Nguyễn Trọng Trung Cần, nhà lưu niệm đồng chí Trần Quốc Hoàn,…
Một số hình ảnh dân hương, dâng hoa của Ban tổ chức và đoàn đại biểu cùng đại diện dòng họ
Đoàn Đại biểu dâng hương và chụp ảnh lưu niệm tại đình Trung Cần huyện Nam Đàn
Dâng hương tại nhà tờ Đại tôn Nguyễn Trọng -Trung Cần
Dâng hương tại nhà lưu niệm đồng chí Trần Quốc Hoàn