Lương tâm, trách nhiệm nhà giáo
NGƯT. TS. Nguyễn Thị Lan; Nguyễn Thị Nhị |
3/11/2023
Lương tâm, trách nhiệm nhà giáo là một vấn đề có vai trò rất quan trọng trong công tác giáo dục, đào tạo. Mỗi chúng ta có lẽ không ai làm nhà giáo mà không hiểu một điều đã trở thành chân lý: làm nghề gì cũng phải có lương tâm, trách nhiệm đối với nghề đó và làm nhà giáo càng cần phải coi trọng vấn đề lương tâm, trách nhiệm, vì đó là nghề dùng nhân cách để giáo dục nhân cách.
1. Lương tâm, trách nhiệm nhà giáo là gì?
Lương tâm, trách nhiệm là hai vấn đề khác nhau. Theo từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên, lương tâm là nhận thức nội tâm theo lẽ phải, còn trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình. Như vậy, lương tâm là cải tự nguyện trong mỗi con người, là cái nên có; còn trách nhiệm là cái bắt buộc, cái phải làm. Nếu ai đó không nhận thức theo lẽ phải thì cũng chẳng cơ quan, tổ chức nào có thể xử phạt, phê bình, khiển trách anh ta. Nhưng nếu nhiệm vụ được giao mà không thực hiện tốt thì sẽ bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm.
Lương tâm là một phạm trù của Đạo đức học Mác- Lênin. Lương là tốt lành, tâm là lòng. Con người có lương tâm nên xu hướng chung là hướng thiện, mong muốn làm điều thiện và tự đánh gía, phán xử hành vi của mình. Lương tâm giúp điều chỉnh hành vi, ý thức của con người, giúp con người hối cải và điều chỉnh lỗi lầm đã gây ra. Người có lương tâm thường giữ được nhân cách, không sa ngã dù bất cứ hoàn cảnh nào và luôn hướng tới điều tốt đẹp. Họ luôn có tâm hồn luôn trong sáng, thanh thản, yêu đời, yêu cuộc sống. Nếu không có lương tâm con người sẽ làm điều bất nhân, độc ác… Nếu không làm theo lương tâm sẽ cảm thấy day dứt, ân hận, tiếc nuối và có thể sẽ đau khổ, bất hạnh suốt cả cuộc đời và sẽ bị dư luận lên án. Nhưng chính điều này sẽ giúp con người sống theo lương tâm và nếu có lỗi lầm thì sẽ kịp thời điều chỉnh để được sống thanh thản hơn vì không có ai là không sợ “toà án lương tâm”. Người có lương tâm nếu thấy điều nên làm mà không làm thì sẽ luôn day dứt, tự dằn vặt bản thân. Vì vậy, con người luôn muốn sống có lương tâm để cho tâm hồn thanh thản, để không bị người đời lên án.v.v.
Nhà giáo là một nghề đặc biệt trong xã hội. Đó là nghề giáo dục, đào tạo con người thành những người có lương tâm, trách nhiệm, có trình độ chuyên môn nhất định. Vậy nếu họ sống thiếu lương tâm, vô trách nhiệm thì thử hỏi rằng họ còn làm gương cho ai, còn giáo dục được ai và sản phẩm của họ là những thế hệ tương lai sẽ như thế nào? Nếu nhà giáo thiếu lương tâm và vô trách nhiệm sẽ làm hỏng cả một thế hệ tương lai của đất nước. Vì vậy, hơn bất cứ nghề nào trong xã hội, làm nghề giáo phải là những con người có lương tâm với tinh thần trách nhiệm cao.
Chính vì vậy, trong quy định về đạo đức nhà giáo, ở điều 4 : Đạo đức nghề nghiệp có ghi rõ : tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo. Như vậy việc giữ gìn lương tâm nhà giáo đã thành một quy định phải thực hiện, một chuẩn mực đạo đức của nhà giáo. Còn trách nhiệm nhà giáo thì được quy định rõ ràng trong nhiều văn bản mà trước hết là trong Luật giáo dục nên ai cũng biết rõ việc mình phải làm với cương vị là nhà giáo.
Lương tâm, trách nhiệm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau. Nhà giáo có lương tâm luôn phấn đấu hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Khi hoàn thành tốt nhiệm vụ thì lương tâm càng thanh thản, ít có điều day dứt càng yêu người và yêu nghề hơn. Lương tâm càng thanh thản thì càng vui vẻ phấn khởi để làm việc tốt hơn, để luôn được sống đàng hoàng, được tự hào về bản thân mình và những đóng góp của mình đối với nghề mình đã chọn. Lương tâm chính là xuất phát điểm của việc hành động đúng, hợp lẽ phải, hợp tình người. Vô lương tâm thì dễ dẫn đến hành động sai trái, bất chấp tất cả để đạt mục đích.
Ảnh, nguồn Giaoduc.net.vn
Làm người, ai cũng phải có lương tâm, tức là tự mình phải nhận thức theo lẽ phải để làm theo lẽ phải. Làm nhà giáo thì càng phải có lương tâm, vì đối tượng của nhà giáo là con người, chủ yếu là những thanh thiếu niên đang độ tuổi trưởng thành. Ở lứa tuổi đó, hành động của những người khác luôn tác động đến các em theo hai chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Các em sẽ nghĩ sao khi thầy giáo có những biểu hiện tiêu cực, chia bè kéo phái mà lại dạy các em phải sống tốt, phải đoàn kết. Hoặc thầy, cô giáo gây khó dễ cho sinh viên để nhận được lợi ích vật chất, hay là cư xử thiếu công bằng đối với học sinh, sinh viên.v.v. Khi thầy, cô giáo làm như vậy, nếu không có chứng cứ gì để lại thì chẳng ai có thể kỷ luật thầy được, dù ở mức độ nhẹ nhất. Nhưng cái mất của thầy là cái mất vô hình, không thể đo đếm được nhưng không hề nhỏ. Học trò lớp này truyền lớp khác rằng với thầy cô giáo đó thì phải thế này thế nọ mới qua được, nếu không thì chỉ thiếu điểm, thì thi lại. Hoặc là thầy giáo đó thiếu chuẩn mực trong giao tiếp với học sinh, sinh viên. Trong con mắt các em, thầy đã đánh mất danh dự của bản thân và lòng tin của học sinh, sinh viên vì những lợi ích vật chất, vì sự thiếu lương tâm và vô trách nhiệm.
Với lương tâm nhà giáo, chúng ta không thể không day dứt khi học trò còn thi lại nhiều dù biết rằng các em chưa chăm học, dù biết rằng mình đã chấm điểm đúng theo đáp án. Lương tâm nhà giáo không cho phép chúng ta lợi dụng học trò vì lợi ích kinh tế và vì bao điều khác. Học trò của chúng ta nhiều em cuộc sống rất khó khăn, để các em được đi học đã là một sự cố gắng rất lớn của gia đình. Hơn nữa nếu chúng ta làm như vậy là phi giáo dục, là đã làm hỏng thế hệ trẻ của đất nước. Lương tâm nhà giáo không cho phép chúng ta đối xử bất công bằng với học trò, chấm điểm bất công bằng. Lương tâm nhà giáo cũng không cho phép chúng ta giảng dạy hời hợt, thiếu trách nhiệm, giảng mà như đọc lại giáo trình cho các em chép. Vì lương tâm nhà giáo, chúng ta không thể quá chú trọng số lượng mà xem nhẹ chất lượng, coi trọng hình thức, chạy theo thành tích để rồi người phải chịu thiệt thòi chính là học sinh, sinh viên của chúng ta và xa hơn nữa là cả một thế hệ tương lai của đất nước. Dẫu biết rằng cơ chế thị trường đang hàng ngày hàng giờ tác oai tác quái làm con người xem nhẹ nhân cách, lương tâm, nhưng đã làm nghề nhà giáo thì cũng đừng nghĩ nhiều đến hai chữ giàu có về vật chất. Bởi vì, với nghề nhà giáo để đạt được điều đó, đôi khi phải đánh mất lương tâm, danh dự. “Đã mang lấy nghiệp vào thân” thì cũng nên giữ lấy cho lòng thanh thản. Cái giàu có mà chúng ta có thể đạt được là tình cảm của các em học sinh, sinh viên qua bao thế hệ. Điều đó cũng là cái quý báu nhất mà không dễ gì ai cũng có được, ngành nghề nào cũng có được.
Trước đây, có thời kỳ học sinh trung học phổ thông thi tốt nghiệp tỷ lệ trượt khá cao nên Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức thi tốt nghiệp lần hai cho những em thi trượt lần đầu. Tôi rất tán thành câu nói của Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trước đây khi phải thực hiện nhiệm vụ này: Có nhiều việc vì lương tâm đối với học trò mà chúng ta phải làm. Tại sao phải tổ chức thi tốt nghiệp lần thứ hai? Bởi vì ngành giáo dục phục vụ cho nhân dân. Học sinh thi rớt sẽ rất buồn. Nhiều em sẽ không có bằng phổ thông đểhọc tiếp lên. Việc thi tốt nghiệp lần hai không phải là bệnh thành tích mà là lương tâm nhà giáo buộc chúng ta phải làm. Chúng ta đành lòng sao được khi tỷ lệ học sinh, sinh viên thi lại quá nhiều, tỷ lệ khá giỏi thấp, mặc dù biết rằng chất lượng thực là như vậy, thậm chí là thấp hơn.
Có biết bao nhiêu tấm gương sáng về lương tâm, trách nhiệm nhà giáo. Trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Hội Thanh niên Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 16/11/2022, Nghệ An có hai giáo viên được vinh dự tham gia cùng 68 thầy cô giáo trong cả nước. Trong dịp này, cô giáo Lê Na, giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Kỳ Sơn đã nói lên suy nghĩ của mình thật cảm động. Dạy học con em đồng bào Mông ở vùng biên giới đầy khó khăn, vất vả, thiếu thốn nhưng các thầy cô giáo vẫn hết lòng vì học sinh thân yêu. Cô cho biết cứ đều đặn mỗi ngày, các thầy cô giáo sáng đi dạy chính khoá, chiều và tối dạy thêm cho học sinh miễn phí, không đòi hỏi thù lao từ phụ huynh. Đối với học sinh giỏi, cô đưa về nhà lo cho các em ăn, ngủ để bồi dưỡng trong nhiều ngày. Cô tâm sự rằng học sinh đỗ đạt, có thành quả tốt là niềm vui của người thầy nên không hề suy nghĩ tính toán hơn thiệt. Cô cho biết ở vùng núi cao miền biên giới, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn nên thầy cô giáo càng phải có trách nhiệm hơn, làm tất cả vì lương tâm nghề nghiệp và luôn tâm niệm một điều là cho đi không cần nhận lại. Giữa cuộc sống đang hàng ngày hàng giờ chịu tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, những tấm lòng tất cả vì học sinh thân yêu như cô giáo Lê Na thật đáng quý biết bao nhiêu. Phụ huynh và bao lớp học trò vô cùng trân trọng và biết ơn những thầy cô giáo đã tận tụy, hết lòng vì học sinh, miệt mài ngày đêm chăm chút từng trang giáo án, sáng tạo nhiều cách dạy hay nhằm giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống, khơi gợi trí thông minh, óc sáng tạo trong từng người học. Biết ơn bao nhiêu những thầy, cô giáo ngày nghỉ vẫn không quản nắng mưa đến động viên, hướng dẫn các học sinh học yếu, lội suối, trèo đèo đến từng bản làng heo hút để vận động con em đồng bào các dân tộc thiểu số đến lớp.
Tuy vậy, trong ngành giáo dục vẫn còn không ít những người thiếu lương tâm, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Trường hợp nam sinh trường THPT chuyên Phạm Ngọc Hiển ( Cà Mau)- một học sinh ở trong đội tuyển học sinh giỏi môn vật lý của nhà trường- trượt tốt nghiệp trong kỳ thi năm 2022 do ngủ quên trong giờ thi Anh văn làm những người làm nghề giáo không khỏi băn khoăn, day dứt. Với kết quả học tập năm lớp 12, các giáo viên đều nhận định em đủ năng lực tham gia xét tuyển đại học. Tuy nhiên, do kết quả bài thi môn tiếng Anh bị 0 điểm nên em không được công nhận đậu tốt nghiệp THPT, do đó không đủ điều kiện xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Rất may mắn là Trường đại học FPT Cần Thơ đã nhận em vào học theo diện sinh viên dự bị nhưng vẫn được học cùng các tân sinh viên khác. Mùa hè năm 2023 em phải dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ở đây, chúng ta không thể không nói đến lương tâm, trách nhiệm của hai cán bộ coi thi. Hai cán bộ coi thi không vi phạm quy chế, không bị kỷ luật nhưng thử hỏi rằng nếu là người có lương tâm nghề giáo, có tinh thần trách nhiệm cao thì liệu họ có thể để trường hợp như vậy xảy ra không?
Lương tâm nhà giáo không chỉ đối với học trò mà còn là đối với đồng nghiệp, cán bộ công nhân viên trong trường. Những người đi trước phải thành tâm giúp người đi sau nâng cao nhận thức, tích lũy kinh nghiệm. Khổng Tử- một nhà hiền triết thời Trung Quốc cổ đại- người được phong là “Vạn sư thế biểu- Thầy của muôn đời” đã từng nói rằng điều mình không muốn thì cũng đừng muốn cho người khác. Điều mình đã đạt được cũng phải tạo điều kiện giúp người khác đạt được chứ không phải mình thành công rồi không muốn ai bằng mình nữa. Tuy nhiên, mỗi người luôn phải có ý chí vươn lên để nắm vững tri thức, học hỏi kinh nghiệm chứ không phải tự bằng lòng với mình, không chịu khó học tập, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao trình độ. Sống ở môi trường giáo dục thì trước hết, những người ở đó phải biết quan tâm động viên nhau, nhất là đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, cư xử với nhau có văn hóa, có tình, có nghĩa.
Giáo viên, giảng viên hiện nay được đào tạo bài bản, được tiếp thu chủ nghĩa Mác- Lênin khi đang học trong các trường cao đẳng, đại học. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được. Mong rằng, mỗi thầy cô giáo đều thấu hiểu sâu sắc triết lý này của Người.
Ảnh, nguồn internet
Lương tâm phải luôn gắn với trách nhiệm. Mỗi người theo cương vị công tác của mình mà hoàn thành tốt trách nhiệm. Trách nhiệm của mỗi người đã được quy định rõ ràng trong các văn bản của ngành giáo dục. Nhà giáo có lương tâm không thể giảng dạy hời hợt, đối phó, thiếu trách nhiệm, được chăng hay chớ. Họ càng không thể chạy theo lối sống vì tiền, tự đánh mất mình, mất lòng tin của xã hội, làm hình ảnh của mình xấu dần trong mắt học trò. Xã hội không thẻ chấp nhận những thầy, cô giáo lợi dụng uy tín của nhà giáo để thương mại hóa các hoạt động giáo dục, thậm chí vô tâm, có những hành động bạo lực, nhục hình xúc phạm nhân cách, danh dự học sinh.v.v.
Lương tâm phải gắn liền với đạo đức. Đạo đức chính là cơ sở, là nguồn cội của lương tâm. Những thầy, cô giáo có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh thường là những người có lương tâm nghề nghiệp, có lòng trắc ẩn. Người có lương tâm nghề nghiệp thì càng giữ mình để không vi phạm các chuẩn mực đạo đức nhà giáo. Vì vậy, để giữ gìn lương tâm nghề nghiệp thì mỗi thầy, cô giáo càng phải trau đồi đạo đức nhà giào theo chuẩn mực nhất định. Chuẩn mực đó đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong quy định về đạo đức nhà giáo (tháng 4/ 2008). Trước tình trạng một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ngày 7/5/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Ngày 11/3/2019 Bộ GD và ĐT lại tiếp tục ban hành văn bản về việc tăng cường chỉ đạo khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo. Điều đó cho thấy, tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo đã trở nên đáng lo ngại.
2. Trong nhà trường hiện nay, cần phải làm gì để mỗi thầy, cô giáo luôn giữ gìn lương tâm, nâng cao trách nhiệm?
Trong phạm vi bài viết này, xin đề xuất một số vấn đề sau:
Thứ nhất, trước hết, mỗi thầy, cô giáo phải gương mẫu trong việc rèn luyện đạo đức nhà giáo, không vi phạm các chuẩn mực đạo đức nhà giáo theo quy định của Bộ GD và ĐT, nâng cao tinh thần trách nhiệm. Đạo đức, lương tâm không phải tự có mà phải trải qua kiên trì rèn luyện, tu dưỡng. Mỗi nhà giáo phải “ chính danh định phận” , tức là với cương vị nào thì phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của cương vị đó vì “danh nào thì phận đó”.”. Trong rèn luyện đạo đức, giữ gìn lương tâm, cá nhân giữ vai trò quyết định. Bởi vì nếu vi phạm thì đơn vị quản lý khó kỷ luật được họ mà chủ yếu là dư luận lên án. Mỗi người, vì danh dự của nhà giáo, vì tương lai của thế hệ trẻ mà giữ gìn lương tâm trong sáng, không để cơ chế thị trường làm ảnh hưởng đến lương tâm người thầy.
Mỗi thầy, cô giáo phải thường xuyên tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện phẩm chất đạo đức nhà giáo trên cơ sở tự giác thực hiện nghiêm túc việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành giáo dục, đặc biệt là cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Về nhiệm vụ giảng dạy mỗi nhà giáo phải luôn nhận thức được “Dạy tốt và học tốt” là hai nhiệm vụ trung tâm trong nhà trường. Thầy muốn dạy tốt, ngoài việc luôn tự nâng cao trình độ chuyên môn, phải tìm tòi trải nghiệm những phương pháp thích hợp tuỳ theo nội dung bài học và đối tượng người học. Trò muốn học tốt, ngoài việc chuyên cần học tập, phải được thầy hướng dẫn phương pháp học tập và định hướng các kiến thức, kỹ năng, thái độ để hình thành nên những phẩm chất năng lực của người lao động mới trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ hai, phải thực sự coi trọng người học, coi người học là sự sống còn của nhà trường, tạo mọi điều kiện để phục vụ người học tốt nhất. Xử lý nghiêm túc những trường hợp có thái độ không tốt đối với người học, có hành vi lợi dụng người học vì lợi ích riêng. Chính việc coi trọng người học nên mỗi thầy cô giáo càng phải bồi dưỡng lương tâm, nâng cao trách nhiệm. Việc giảng dạy hời hợi, thiếu trách nhiệm đối với người học chính là sự không tôn trọng người học.
Thứ ba, nhà trường cần chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định về đạo đức nhà giáo để phát hiện những trường hợp vi phạm, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nếu cần thiết như Chỉ thị ngày 11/3/2019 của Bộ GD và ĐT đã nêu rõ: Thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời, không bố trí đứng lớp các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, kiên quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa trong nhà trường. Điều này rất quan trọng trong việc tạo nên bản sắc văn hóa của nhà trường. Phải xây dựng phong cách giảng dạy, chất lượng giảng dạy, thái độ giao tiếp, thái độ trong xử lý công việc, trang phục lịch sự, phòng làm việc, phòng học gọn gàng, sạch sẽ, khuôn viên đẹp, thái độ cư xử với nhau trong cơ quan, quan tâm đến vui buồn của mỗi người.v.v. Những điều đó tưởng chừng là nhỏ nhặt nhưng lại rất quan trọng trong việc tạo nên bản sức văn hóa riêng của nhà trường. Bên cạnh xây thì cũng cần phải chống, trước hết là chống kéo bè phái chia rẽ nội bộ làm mất đoàn kết, ngồi nơi này nói nơi nọ làm mọi người thiếu niềm tin đối với nhau, chống lối sống quá coi trọng đồng tiền, vì đồng tiền mà sẵn sàng vi phạm đạo đức nhà giáo, đánh mất lương tâm.v.v.