Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An - 15 năm xây dựng và phát triển
Nguyễn Quốc Hồng |
21/10/2023
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Nghệ An được biết đến là vùng đất lâu đời giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Với vị thế là vùng đất “phên dậu”, “đứng chân”, vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến. Nhân dân Nghệ An luôn đi đầu và kiên cường trong đấu tranh chống cường quyền, áp bức, bóc lột, chống ngoại xâm. Lịch sử đã chứng minh rằng không phải ngẫu nhiên vùng đất này lại là nơi khởi phát nhiều phong trào yêu nước, là cái nôi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều nhân tài cho đất nước.
Nghệ An có đội ngũ các nhà sử học đông đảo đã và đang sinh sống, làm việc, luôn khát vọng sớm thành lập Hội Khoa học Lịch sử để có điều kiện tập hợp đội ngũ nghiên cứu, giảng dạy, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử sâu rộng hơn nữa cho các tầng lớp nhân dân trên chính vùng đất lịch sử, văn hóa này.
Trên cơ sở nguyện vọng chính đáng của đội ngũ nghiên cứu, giảng dạy lịch sử trên địa bàn tỉnh, đầu năm 2008, Ban vận động thành lập Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An ra đời. Sau thời gian vận động, tập hợp được Sở Nội Vụ thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh. Ngày 02 tháng 5 năm 2008, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định số 1571/QĐ-UBND cho phép thành lập Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An. Sau khi có Quyết định của UBND tỉnh và được sự đồng ý của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Đại hội thành lập Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An trang trọng tổ chức vào ngày 26 tháng 8 năm 2008 tại Nhà khách Nghệ An. Dự và chỉ đạo Đại hội có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Nghệ An và 70 hội viên. Sau đại hội, UBND tỉnh ra quyết định công nhận Ban chấp hành Hội với 9 thành viên. Theo đó, Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Hội tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự trang trải kinh phí và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo điều lệ được phê duyệt, Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh có chức năng nhiệm vụ: Tập hợp những người hoạt động trong lĩnh vực Lịch sử và những ngành liên quan, giúp đỡ hội viên nâng cao trình độ chuyên môn, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo của giới sử học tỉnh nhà; Tham gia tư vấn, phản biện và giám định về Khoa học Lịch sử cho các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh. Bảo về quyền lợi chính đáng của hội viên, phổ biến kiến thức về khoa học Lịch sử cho nhân dân trong tỉnh. Nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử địa phương, các ban ngành của tỉnh.
Trải qua 15 năm (2008 - 2023) xây dựng và phát triển, Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An đã đạt được những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực sau đây:
1. Xây dựng tổ chức hội và phát triển hội viên
Đại hội thành lập năm 2008 đã bầu PGS Phan Văn Ban - Nguyên chủ nhiệm khoa Sử trường đại học Vinh làm Chủ tịch danh dự của hội. Bầu ban chấp hành gồm 9 đồng chí. Tiến sĩ Phan Xuân Thành - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Xô Viết làm Chủ tịch Hội và 2 Phó chủ tịch là PGS - TS Trần Văn Thức, Trưởng khoa Lịch sử Đại học Vinh và ông Hoàng Anh Tài, nhà nghiên cứu lịch sử, Hội đã thành lập 3 chi hội với 70 hội viên.
Năm 2013, Hội đã tổ chức Đại hội toàn thể lần thứ II, dự đại hội có 84 hội viên. Đại hội đã đánh giá kết quả hoạt động của hội trong nhiệm kỳ thứ nhất đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động trong nhiệm kỳ. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 9 thành viên, PGS - TS Trần Văn Thức được chấp hành bầu làm Chủ tịch hội, các ông Hoàng Anh Tài, Hoàng Minh Tuyền được bầu Phó Chủ tịch hội. Trong nhiệm kỳ thứ II, Ban chấp hành có nhiều biến động PGS - TS Trần Văn Thức chủ tịch chuyển công tác về trường Đại học văn hóa - Thể thao - Du lịch Thanh Hóa. Cuối năm 2015, Ban chấp hành bầu ông Nguyễn Quốc Hồng làm chủ tịch hội. Năm 2016, ông Hoàng Anh Tài mất, năm 2017 hội nghị BCH bầu bổ sung ông Chu Chiến Sơn - Phó phòng lý luận chính trị, lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vào BCH, đến tháng 01 năm 2018 bầu Phó Chủ tịch. Sau khi kiện toàn, thường trực hội có: Ông Nguyễn Quốc Hồng - Chủ tịch, ông Hoàng Minh Tuyền - Phó Chủ tịch, ông Chu Chiến Sơn - Phó Chủ tịch và 5 ứng viên BCH.
Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An tổ chức Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2020-2025
Tháng 7 năm 2020, Hội tổ chức Đại hội lần thứ III tại khách sạn Duy Tân. Đại hội đã đón tiếp PGS - TS Phan Xuân Biên - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Nghệ An, Sở Khoa học Công nghệ và các cơ quan chủ quan về dự và chỉ đạo đại hội.
Về dự đại hội có 98 hội viên của 7 chi hội. Đại hội đã bầu BCH gồm 7 đ/c (sau bổ sung thêm 02 đ/c). BCH đã bầu ông Nguyễn Quốc Hồng làm Chủ tịch và 2 phó chủ tịch là PGS-TS Trần Viết Thụ và ông Chu Chiến Sơn.
Sau 15 năm hoạt động, Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An từ 70 hội và 03 chi hội khi thành lập, đến nay đã phát triển lên 126 hội viên và 9 chi hội gồm: ban quản lý di tích tỉnh; Đại học Vinh; Bảo tàng Quân khu 4; Sở Văn hóa - Thể thao; Bảo tàng Nghệ An; Ban Tuyên giáo; Các nhà nghiên cứu độc lập thành phố Vinh; Sở Giáo dục – Đào tạo; Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn.
Nửa đầu nhiệm kỳ III, thường trực hội tập trung nâng cao chất lượng của hội viên đã làm việc với hội khoa học Lịch sử Việt Nam, đề nghị cấp thẻ hội viên hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho hội viên. Đến nay, sau 3 kỳ cấp thẻ đã có 102 hội viên được cấp thẻ hội viên hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Từ những kết quả về công tác xây dựng và phát triển hội viên, Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An đã và đang trở thành địa chỉ tập hợp, thu hút và kết nối đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực Lịch sử trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao tiềm lực khoa học lịch sử tỉnh nhà.
2. Tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình, lịch sử, địa chí thúc đẩy sự nghiệp sử học tỉnh nhà phát triển
Đây là lĩnh vực được đông đảo hội viên tham gia và mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Trước hết là nghiên cứu, biên soạn, xuất bản công trình Lịch sử Nghệ An. Từ kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp tỉnh, hội đã tổ chức bản thảo thành 2 tập: Tập 1 từ nguyên thủy đến cách mạng tháng Tám năm 1945; Tập 2 từ năm 1945 đến năm 2005. Cả 2 tập đều do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2012. Đây là công trình đầu tiên đầy đủ nhất về Lịch sử tỉnh Nghệ An.
Sau công trình Lịch sử Nghệ An, hội tổ chức hội viên nghiên cứu, xuất bản Lịch sử quân sự Nghệ An từ cấp huyện đến tỉnh. Bộ Lịch sử quân sự Nghệ An gồm 2 tập từ năm 1930 đến năm 2010 do nhà xuất bản Quân đội Nhân dân xuất bản năm 2015.
Sau công trình Lịch sử quân sự Nghệ An, hội viên của hội đã nghiên cứu, biên soạn, xuất bản 15 công trình lịch sử lực lượng vũ trang các huyện, thành thị, đó là: Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Anh Sơn (1945 - 2010), xuất bản năm 2011; Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Tân Kỳ (1963 - 2010), xuất bản năm 2012; Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Tương Dương (1945 - 2010), xuất bản năm 2012; Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân thị xã Thái Hòa (1945 - 2011), xuất bản năm 2014. ..
Mảng lịch sử truyền thống các ban, ngành cấp tỉnh đã biên soạn, xuất bản 11 công trình đó là: Lịch sử ngành tài chính Nghệ An (1945 - 2015), xuất bản năm 2015; Giao thông vận tải Nghệ An - Truyền thống và đổi mới (1945 - 2015), xuất bản năm 2015; Ban dân tộc Nghệ An - 70 xây dựng và phát triển (1946 - 2016), xuất bản năm 2016; Lịch sử phong trào nông dân và hội nông dân Nghệ An (1929 - 2015), xuất bản năm 2015. …
Mảng lịch sử đảng bộ và nhân dân các phường, xã đã biên soạn xuất bản 31 công trình: Lịch sử đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (1930 - 2005), xuất bản năm 2010; Lịch sử đảng bộ và nhân dân xã Thanh Tiên (1930 - 2014), xuất bản năm 2012; Lịch sử đảng bộ và nhân dân xã Đức Thành (1930 - 2010), xuất bản năm 2013; Lịch sử Đảng bộ xã Lượng Minh (1965 - 2018), xuất bản năm 2020; Lịch sử Đảng bộ xã Tam Đình (1965 - 2018), xuất bản năm 2020; Lịch sử Đảng bộ xã Đỉnh Sơn (1953 - 2020), xuất bản năm 2023; Lịch sử Đảng bộ xã Nhôn Mai (1953 - 2000), xuất bản năm 2023;…
Ngoài lĩnh vực khoa học lịch sử, Hội đã sưu tầm, biên soạn và xuất bản 3 công trình địa chí: Địa chí thành phố Vinh, xuất bản năm 2015; Địa chí huyện Quỳ Châu, xuất bản năm 2011; Địa chí huyện Kỳ Sơn, xuất bản năm 2013.
Kết quả sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, công bố các công trình lịch sử, văn hóa và truyền thống của các địa phương, ngành trên địa bàn tỉnh đã góp phần vào việc bảo tồn, lưu giữ gia tài lịch sử, văn hóa của nhiều thế hệ cha ông để lại, đồng thời giới thiệu và quảng bá rộng rãi với bạn bè trong nước và quốc tế những giá trị về kho tàng lịch sử, văn hóa của xứ Nghệ. Các giá trị nhân văn, truyền thống tốt đẹp của con người xứ Nghệ, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước cho các thế hệ người Nghệ hôm nay và mai sau.
3. Chủ trì, đồng chủ trì và tích cực tham gia các hội thảo khoa học cấp quốc gia, cấp tỉnh về đất nước, con người Nghệ An
Trong 15 năm hoạt động, Hội đã đồng chủ trì và tham gia 25 cuộc hội thảo từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh, đó là: Các cuộc hội thảo cấp quốc gia: Bối cảnh lịch sử Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, tổ chức năm 2011; Danh nhân văn hóa Cao Xuân Dục tổ chức năm 2012; Mai Thúc Loan và khởi nghĩa Hoan Châu, tổ chức năm 2013; Đồng chí Lê Hồng Phong người con ưu tú của quê hương Nghệ An, tổ chức năm 2022; Đồng chí Lê Hồng Sơn với sự nghiệp cách mạng và quê hương Nghệ An, tổ chức năm 2022; Dấu tích khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Quỳ Hợp tổ chức năm 2022; Nghệ An 990 hình thành và phát triển, tổ chức năm 2020; Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử văn hóa Phật giáo Việt Nam… Các cuộc hội thảo cấp tỉnh: Danh xưng huyện Thanh Chương - Những nội dung cần xác định, tổ chức vào năm 2021; Bước đầu tìm hiểu các nhân vật lịch sử họ Đinh trên đất Nghệ An, tổ chức năm 2018; Nguyễn Sỹ Sách với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An; Đổi mới dạy và học lịch sử ở trường phổ thông theo định hướng tiếp cận năng lực, tổ chức năm 2018,…
Việc chủ trì và tham gia tổ chức các cuộc hội thảo về vùng đất, con người Nghệ An qua những bài tham luận của hội viên, hội Khoa học Lịch sử Nghệ An đã góp phần quan trọng làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử, văn hóa tỉnh nhà đang đặt ra.
Ngoài các hoạt động chính đã trình bày, Hội còn tham gia các hoạt động tư vấn phản biện về những vấn đề lịch sử, văn hóa.
Ngày 02/05/2014, Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước diễn biến ấy, Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An phối hợp với đặc san Khao học xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm có sự tham gia của 14 chuyên gia khoa học lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo, lên án hành động sai trái của Trung Quốc.
Trong nhiều năm chất lượng dạy và học môn Lịch sử ở trường phổ thông thấp, trước tình hình đó, hội đã tổ chức bàn tròn vào tháng 6 năm 2016 với chủ đề vấn đề dạy và học lịch sử trong trường phổ thông hiện nay - nguyên nhân và giải pháp. Các chuyên gia dạy môn lịch sử và một số học sinh tham gia đã làm rõ nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn lịch sử.
Tháng 11/2015, sau khi Bộ GĐ&ĐT đưa ra dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó tích hợp môn Lịch sử với môn Đạo đức công dân và môn An ninh quốc phòng thành môn Công dân với tổ quốc tạo ra một cuộc tranh luận và dư luận trong xã hội với nhiều ý kiến khác nhau. Tháng 11/2015, Hội đã phối hợp với Đặc san Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức bàn tròn với chủ đề: Tích hợp môn Lịch sử - nên hay không ? Cuộc tọa đàm thu hút nhiều chuyên gia đến dự và đã thống nhất quan điểm: Không tích hợp môn Lịch sử với các môn khác, môn Lịch sử là môn học độc lập, nhưng phải thay đổi chương trình và phương pháp giảng dạy. Cuộc tọa đàm đã gây tiếng vang trong giới sử học và các nhà quản lý của Bộ GD&ĐT. Hội khoa học lịch sử Nghệ An là hội khoa học lịch sử cấp tỉnh đầu tiên có quan điểm rõ ràng về dự thảo chương trình giáo dục tổng thể của Bộ giáo dục và đào tạo.
Ngoài việc tổ chức các cuộc tọa đàm khoa học, Hội còn tổ chức cho các hội viên tham gia tư vấn, phản biện một số chương trình, đề án về lĩnh vực lịch sử, văn hóa của tỉnh: Đề án quy hoạch hệ thống di tích trên địa bàn Nghệ An - Định hướng đến năm 1930, tầm nhìn đến năm 2050; Bộ tiêu chí biên soạn cuốn sách Nghệ An - Những con người tiêu biểu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Dự án phim Lịch sử - Văn hóa - Xã hội “Đại Huệ nơi địa linh nhân kiệt” của Hội truyền thông số ……
4. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về lịch sử, văn hóa
Hội đã cho ra mắt ấn phẩm Nghệ An Xưa và Nay để đăng tải các bài nghiên cứu của hội viên về lĩnh vực lịch sử, văn hóa vùng đất và con người xứ Nghệ nhằm tuyên truyền truyền thống tốt đẹp của quê hương trong tiến trình phát triển; Đồng thời động viên hội viên viết bài đăng trên ấn phẩm của Trung ương như: Tạp chí Xưa và Nay của Hội khoa học lịch sử Việt Nam; Tạp chí nghiên cứu của Viện Sử học Việt Nam; Đặc san Khoa học xã hội và nhân văn; Văn hóa - Thể thao Nghệ An,…. Hội còn phối hợp với Bảo tàng quân khu 4 về các huyện tổ chức các cuộc triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý ….
Chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển, Hội khoa học lịch sử Nghệ An hoạt động trong điều kiện tự trang trải về mọi mặt nhưng vượt lên tất cả những khó khăn, hội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, khẳng định vị trí của Hội trong hệ thống các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong tỉnh và cả nước. Những kết quả trên là tiền đề, là nguồn động viên to lớn để Hội khoa học lịch sử Nghệ An bước sang giai đoạn phát triển mới./.