Quay lại

Giải mã các dinh thự, cơ quan hành chính trong thành cổ Nghệ An qua Bản đồ triều Nguyễn

Đào Tam Tỉnh  |   14/9/2023

1. Kiến trúc thành Nghệ An Thành tỉnh Nghệ An được xây dựng từ năm Gia Long thứ 3 (1804) ở địa phận hai xã Vĩnh Yên và Yên Trường, nay thuộc thành phố Vinh. Thành có 3 cửa: Cửa Tiền, cửa Tả, cửa Hữu trên phần đất thuộc phường Cửa Nam. Lúc đầu, thành được đắp bằng đất, nhà cửa, đồn trại trong thành cũng bằng tranh tre, vách đất. Đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831) mới được xây dựng bằng đá ong, gạch vồ, gạch sò rất kiên cố. Toàn bộ khu thành cổ xưa nằm gọn trong các đường phố nay là: Quang Trung, Phan Chu Trinh, Trần Hưng Đạo và Phan Đình Phùng.

Thành Nghệ An mang tính chất bảo vệ (phòng ngự), nên kiến trúc của thành được xây dựng vừa theo kiểu truyền thống phương Đông và có ảnh hưởng của lối xây dựng thành trì của Pháp và Tây Âu, hay còn gọi là Vauban (Vôban). Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn ghi về thành tỉnh Nghệ An như sau:

Thành tỉnh Nghệ An ở địa phận hai xã Yên Trường và Vĩnh Yên, huyện chân Lộc, chu vi 603 trượng, cao 1 trượng 1 thước 5 tấc, mở 3 cửa, hào rộng 7 trượng, sâu 8 thước… Năm Gia Long thứ 3… đắp thành bằng đất; năm Minh Mệnh thứ 12, đổi xây đá ong(1).

Bản đồ Thành cổ Nghệ An (cũng gọi là Thành cổ Vinh) bằng chữ Hán triều Nguyễn

 

Như vậy, thành Nghệ An chỉ có 3 cửa: Tiền, Tả, Hữu, không có cửa Hậu (Hay cửa Hậu vĩnh viễn không được mở). Cửa Tiền mở hướng Nam, giống như Cửa Tiền Kinh thành Huế cũng mở về hướng Nam. Đây là hướng vận dụng đúng theo thuật phong thủy phương Đông và truyền thống dân tộc Việt Nam. Theo Kinh dịch: Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ (Bậc Thánh nhân quay mặt về hướng Nam để nghe thiên hạ). Hướng Nam là hướng đắc địa nhất ở nước ta, làm nhà quay mặt hướng Nam là truyền thống của dân ta. Thành Nghệ An được kiến trúc và xây dựng ở vị trí đắc địa, tụ khí, phía xa xa trước mặt có núi đứng làm bình phong (Thiên Nhẫn và Hồng Lĩnh); có dòng nước chảy về trước mặt với ý nghĩa tụ thủy (sông Lam và sông Vinh); Tả, hữu (2 bên phải, trái) còn có núi Quyết và núi Hùng (Lam Thành). Phía Đông Thành là biển Đông rộng lớn, có Song Ngư và Hòn Mắt canh giữ; Phía Tây có dãy núi Đại Huệ che chắn; Phía Đông Bắc có các núi Thần Vũ, núi Voi (Tượng Sơn), núi Đầu Rồng (Long Thủ), núi Cờ (Kỳ Sơn), núi Kiếm… tạo thế vững chãi cho Thành.

 

 

 

Thành Nghệ An có hình như con rùa (Quy hình), với 6 cạnh và 6 góc. Mỗi góc là một trạm gác, còn các cạnh - mặt thành có các ụ tường cao 2 thước 5 tấc, công sự chiến đấu. Ngoài các cửa đều có các lũy đắp đất theo hình vành trăng (Nguyệt hình). Lũy Cửa Tiền, phía ngoài lát đá sò, dài 54 trượng 8 thước, phía trong lát gạch, dài 48 trượng 2 thước, ở giữa có cửa nhỏ, lũy cao 6 thước, trên lũy có ụ tường cao 2 thước 7 tấc. Lũy Cửa Hữu và Cửa Tả đều đắp bằng đất, mỗi lũy ở đoạn giữa có một cửa nhỏ (cao 1 trượng 2 thước 8 tấc, rộng 1 trượng 2 thước). Chung quanh thành có hào sâu 8 thước, rộng 8 thước. Hào luôn có nước và được thông qua sông Cửa Tiền thuộc Sông Vinh (Vĩnh Giang hay sông Cồn Mộc). Sông Hào thành luôn có đầy nước vì thông nước với hệ thống sông đào Kênh Nhà Lê, từ kênh Chính Đích (hay Cầu Đước) chảy ra đến sông Lam qua sông Vinh tại ngã ba Mỏ Hạc, còn gọi bến Yên Lạc hay Cửa Khẩu. Hồ hào ngoài Thành được trồng Sen, mùa thu hoạch phải nộp hạt Sen cho nhà Vua, tính bằng 1 sở linh 1 mẫu 3 thước và phải nộp 5 cân 1 lạng 5 tiền (Theo sách Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ).

Nguyên liệu xây dựng Thành Nghệ An bằng đá ong, gạch vồ, gạch sò. Đá Ong, hay còn gọi là đá Latêrit, là sản phẩm phong hóa của miền nhiệt đới, có chứa nhiều sắt, khi có hiện tượng ôxy sắt kết xi măng. Đá ong có ở nhiều nơi trên đất Nghệ An, nhưng loại tốt nhất là ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn. Triều đình đã huy động sức dân để khai thác đá ong ở Nam Thanh, theo các kích cỡ 50x40x20cm; 60x20x15cm; 40x20x20cm. Đá Sò hay gạch Sò là một loại hình tích tụ của sinh vật biển trong điều kiện có hoạt động của sóng, vỏ của chúng được dồn vào bờ, hết lớp này đến lớp khác và qua nhiều thời đại được phong hóa mà thành. Các cồn sò điệp được thấy nhiều ở vùng bờ biển các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu và tốt nhất là ở Diễn Châu, có nơi dày tới 8-9m.

Qua các đợt tu sửa Thành Nghệ An, ta có thể biết được các loại vật liệu xây thành và kích cỡ của chúng. Châu bản nhà Nguyễn được lưu cho đến nay, trong đó có tờ phúc tấu của Bộ Công, đề ngày 1 tháng chạp năm Tự Đức thứ 14 (1862), theo sách Hoạt động của Bộ Công dưới thời vua Tự Đức qua các Châu bản triều Nguyễn(2) có ghi rõ:

Bộ Công phúc tấu: Ngày 20-10, Bộ chúng tôi vâng đem tập tấu của thần Võ Trọng Bình, Thự Tổng đốc Nghệ An, về việc thành của tỉnh có chỗ bị sập, trù tính giá cả nhân công và vật liệu để sửa chữa lại, trình bày nguyên do, phiếu phụng dâng trình… Đã sức chiếu theo bề dài, bề ngang, bề mặt và bề dày của đá và trù tính lại, thì thấy số đá cần dùng là 20.105 phiến: trong số này gồm có 15. 525 phiến, mỗi phiến dày 1 thước 2 tấc, mặt 8 tấc; 4.580 phiến, mỗi phiến mặt vuông 1 thước; số vôi hồ là 5.083 cân 8 lạng, mật đỏ 127 cân 19 lạng. Ngoài ra các chỗ trên Thành nứt ngầm, phía trên nứt 13 trượng 4 thước, phía dưới nứt 9 trượng, trước kia không có nói trên. Nay xét ra có chỗ trống hở, xiêu vẹo, không bền vững, nghĩ nên dỡ ra làm lại và sức trù tính, cần dùng đá ong 6.584 phiến, vôi đá 2.764 cân, mật đỏ 27 cân 9 lượng, hợp cộng cần dùng đá ong, đá sò, cùng với vôi đá, vôi sò và mật đỏ, cộng tiền là 3,649 quan 7 tiền 33 đồng(3)...

Qua tờ phúc tấu của Tổng đốc Nghệ An lên Bộ Công xin tu sửa lớn Thành Nghệ An vào năm 1861, ta thấy được các vật liệu cần chi dùng cho việc xây dựng Thành có: Đá ong, đá sò, vôi đá, vôi sò, mật đỏ. Năm 1874, quan tỉnh Nghệ An tấu trình xin nâng cấp Thành Nghệ An và được vua đồng ý cho xây dựng tường Thành cao thêm 1 thước và dày thêm hơn 1 thước nữa.

Bố trí trong Thành Nghệ An:

Xem xét từ Cửa Tiền: Phía trong cổng có Đài quan sát, bên tả Thành là Pháo đài Đông Nam, bên hữu là Pháo đài Tây Nam (Góc lồi - 2 chân rùa phía trước); Hai góc lồi trước Cửa Tả là Pháo đài phía Đông và trước Cửa Hữu là Pháo đài phía Tây (2 vây rùa). Hai góc lồi sau Cửa Tả là Pháo đài Đông Bắc và sau Cửa Hữu là Pháo đài Tây Bắc. Trên Thành có các trạm gác và bố trí các súng Thần công canh giữ. Sách Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ có ghi:

Minh Mạng năm thứ 16, chuẩn y lời tấu: Cho Thành tỉnh Nghệ An chia đặt súng các họng 36 cỗ; súng gang Hồng Y 16 cỗ; súng gang Phách Sơn 4 cỗ; súng đồng Quá Sơn 16 cỗ.

Theo H.Lơbrơtông (Hippolyte Lebreton) trong sách Xứ An Tĩnh xưa (Levieux An Tĩnh)(4), in năm 1934 cho biết, trên Thành Nghệ An có 47 cỗ súng Thần công, trong đó có 34 khẩu đúc bằng đồng, một số mua của nước ngoài và chung quanh Thành cổ có đến 18 khẩu, được đặt ở Võ Miếu, Khách sạn Tòa Sứ Pháp…

Tất cả các cơ quan quản lý cấp tỉnh đều đóng ở Thành Nghệ An chung quanh Hành Cung (nơi Vua ngự mỗi khi kinh lý đến Nghệ An phải nghỉ lại). Trước Hành Cung là Kỳ đài (nơi cắm cờ). Hai bên Hành cung: Bên Tả là dinh Tổng đốc, bên hữu là dinh Đề đốc và kho lúa gạo. Trước dinh Tổng đốc là dinh Bố chánh và đối diện là dinh Án sát. Phía sau gần Cửa Tả là dinh Chánh Lãnh binh và Cửa Hữu là dinh Phó Lãnh binh. Cạnh dinh Phó Lãnh binh là Ngục thất. Cạnh Ngục thất là kho lúa sau (Hậu thương). Trại lính ở cạnh dinh Chánh Lãnh binh; phía sau là kho chứa thuốc súng. Theo sách Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ trong Thành Nghệ An có Công đường Tổng đốc, Bố chính, Án sát, nhà trước, nhà sau đều 1 tòa (Năm Gia Long thứ 8 dựng dinh Tổng đốc; năm Minh Mạng 17 dựng dinh Bố chính, Án sát). Công sảnh Lãnh binh, phòng Ty phiên niết đều 1 tòa dựng năm Minh Mạng thứ 17.

2. Giải mã các Dinh thự, cơ quan hành chính thành cổ Nghệ An qua Bản đồ chữ Hán triều Nguyễn

1. 前門 Tiền môn: Cửa trước. Thường gọi Cửa Tiền. (Phía trước Cửa Tiền là đường thẳng thông ra đến sông Cửa Tiền (Trực đạo), có cầu cống bắc qua hào và có hàng rào lan can rất đẹp). 

2. 左門 Tả môn: Cửa bên trái. Thường gọi Cửa Tả.

3. 右門 Hữu môn: Cửa bên phải. Thường gọi Cửa Hữu.

4. 行宮 Hành Cung: Hành: Đi, làm; Cung: Chỉ nơi Vua ở. Hành Cung: Nơi Vua nghỉ lại khi đi ra khỏi Kinh đô.

5. 總督公館 Tổng đốc Công quán: Công: Chung, chỉ thuộc về nhà nước; Quán: Ngôi nhà. Tổng đốc: Chức quan cầm đầu một tỉnh lớn (như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Định); tỉnh nhỏ như: Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên… thì đặt Tuần vũ; tỉnh nhỏ hơn nữa như Đà Lạt, Kontum… thì đặt Quản đạo. Tại Kinh đô không có chức Tổng đốc hay Tuần vũ, mà đặt chức Phủ doãn, lớn hơn Tổng đốc/ Tổng đốc công quán: Ngôi nhà của quan Tổng đốc làm việc và dùng để tiếp đón quan khách đến làm việc… 

6. 布政公館 Bố chính công quán: Bố chính: Một chức quan đứng hàng thứ 2 trong tỉnh, dưới quan Tổng đốc, chuyên coi việc Hộ (Những vấn đề liên quan đến tài chính)/ Bố chính công quán: Nhà làm việc của quan Bố chính.  

7. 按察公館 Án sát công quán: Án: Xem xét; Sát: Sét. Án sát: Chức quan dưới Tổng đốc, chuyên trông coi việc hình án. Theo Quan chế triều Nguyễn: Án sát là chức quan Văn đứng thứ 3 ở tỉnh, sau Tổng đốc (hoặc Tuần vũ) và Bố chính 

8. 右倉Hữu thương: Kho bên phải. Thương: Cái kho (Thương khố: Kho chứa lúa). 

9. 嶺兵公館 Lãnh binh công quán: Nhà làm việc của quan Lãnh binh. Lãnh: Coi sóc; Binh: Lính/ Lãnh binh: Tên 1 chức quan võ, trông coi quân lính trong một tỉnh.

10. 後倉 Hậu thương: Kho đằng sau.

11. 獄室 Ngục thất: Nhà giam. Ngục: Nhà giam; Thất: Nhà 

12. 副嶺兵公館 Phó Lãnh binh công quán: Nhà làm việc của quan Phó Lãnh binh. Phó Lãnh binh: Tên 1 chức thứ 2 quan võ đứng sau Lãnh binh, trông coi quân lính trong một tỉnh.

13. 公館 Công quán: Công: Chung, chỉ thuộc về nhà nước; Quán: Ngôi nhà/ Ngôi nhà Chính phủ dựng lên để tiếp đón quan khách; đóng ở phía trước bên ngoài, phía trái Cửa Tiền. 

14. 冶坊 Dã phường: Phường đúc.

15. 廄馬 Cứu Mã: Chuồng Ngựa.

Để tăng thêm vẻ uy nghi bề thế cho Thành Nghệ An, chung quanh ngoài Thành còn xây dựng các trạm trại, đền, miếu, chùa… Nhà công quán ở trước lũy Cửa Tiền; Dã phường ở phía Tây; Nhà ngựa ở phía đông; miếu Quan Công (Trấn Võ) ở phía Nam; đàn Xã Tắc ở phía Tây; đàn Tiên nông ở phía Đông; đàn Xuyên Sơn ở phía Nam; Văn Thánh, đền Khải Thánh, miếu Hội Đồng, miếu Thành Hoàng, chùa Diệc; Nhà trạm Yên Dũng, Trường thi Hương, Võ nha, v.v… Các công trình văn hóa tâm linh, xã hội, quân sự… bao quanh Thành cổ, đã tạo thế cho đô thị Vinh xưa là một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh, đồ sộ, cổ kính và linh thiêng.q 

Chú thích

1. Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, bản dịch, tập 2 - Huế, Thuận Hóa, 1997, tỉnh Nghệ An, từ tr.117.

2. Hà Mai Phương. Hoạt động của Bộ Công dưới đời vua Tự Đức qua các châu bản nhà Nguyễn. S., Tủ sách Sử học - Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1974. Tr. 105.

- Thước, trượng: 1 trượng bằng 10 thước ta, 1 thước ta có 10 tấc. Trượng là đơn vị dùng để đo chiều dài thời xưa, dài khoảng 4 thước Tây… Tr. 94.

3. Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ…

4. Hippolyte Le Breton. An - Tĩnh cổ lục (Le vieux An - Tĩnh).- NXB Nghệ An - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005.

Tài liệu tham khảo

1. Thiều Chửu. Hán Việt tự điển. HCM, 1993.- 909 Tr. 

2. Bửu Kế. Từ điển Hán Việt từ nguyên. Huế, Thuận Hóa, 1999.

3. Đào Tam Tỉnh. Tìm trong di sản Văn hóa xứ Nghệ.- H., Văn học, 2019.


Cùng chuyên mục