Quay lại

Giải pháp tăng cường xây dựng môi trường văn hóa trong trường đại học

Nguyễn Thị Lan  |   3/8/2023

Để tồn tại và phát triển, nhà trường nói chung và trường đại học nói riêng cần sự kết hợp giữa nhiều yếu tố như chất lượng giảng dạy, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, môi trường văn hoá.v.v. Trong các yếu tố đó, môi trường văn hoá giữ vai trò rất quan trọng.


1. Nội dung xây dựng môi trường văn hoá trong trường đại học
Có thể hiểu môi trường văn hoá là tổng thể các yếu tố xung quanh chủ thể văn hoá như cảnh quan, giá trị và chuẩn mực văn hoá, hoạt động và sản phẩm văn hoá, tác động đến chủ thể văn hoá. Môi trường văn hoá bao gồm cả yếu tố vật thể và phi vật thể. Xây dựng môi trường văn hoá tức là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với tự nhiên, với xã hội và với bản thân mình. Xây dựng môi trường văn hoá chính là để góp phần làm tăng giá trị của nhà trường. 
Nội dung cơ bản xây dựng môi trường văn hoá bao gồm: 
1.1. Giữ gìn, phát huy giá trị, chuẩn mực văn hoá của nhà trường
Giá trị, chuẩn mực văn hoá là yếu tố cốt lõi trong cấu trúc của môi trường văn hoá của trường đại học. Những giá trị, chuẩn mực này vừa mang tính ổn định, tính bền vững, được kế thừa và bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của thời đại. Hệ giá trị, chuẩn mực này có vai trò định hướng cho hành động của mỗi thành viên trong nhà trường. Trước hết, đó là những giá trị, chuẩn mực văn hoá mang tính phổ quát, truyền thống của dân tộc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI cũng đã chỉ ra các đặc tính cơ bản của người Việt Nam có nhân cách, lối sống cao đẹp là người có tinh thần yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, ý chí tự cường, ý thức cộng đồng, trọng nghĩa tình đạo lý, tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống, có lương tâm, trách nhiệm không những đối với bản thân mình, với gia đình mà còn với cả cộng đồng, xã hội và đất nước. 
Ngoài ra, giá trị, chuẩn mực văn hoá của nhà trường còn có những giá trị mang tính đặc trưng của ngành giáo dục như hiếu học; tôn sư trọng đạo; nhất tự vi sư, bán tự vi sư. v.v.
Bên cạnh những giá trị tổng quát nêu trên, giá trị, chuẩn mực văn hoá của nhà trường mang tính đặc thù cần gìn giữ và phát huy. Đối với một trường đại học, theo yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiêu chí về văn hoá được xếp thứ hai. Đó là “Lãnh đạo cơ sở giáo dục thúc đẩy các giá trị văn hoá phù hợp với tầm nhìn và sứ mạng của cơ sở giáo dục” và nhiều tiêu chí khác đề cập đến vấn đề văn hoá. 
Tuy nhiên, để xây dựng và định hình được giá trị của một trường đại học, điều kiện tiên quyết là yếu tố chất lượng và đội ngũ cán bộ, giảng viên. Giá trị cốt lõi đối với một trường đại học là chất lượng. Chỉ khi chất lượng đào tạo tốt, dịch vụ tốt thì giá trị thương hiệu mới tăng, độ tin cậy và uy tín sẽ cao. Muốn đạt được điều đó, điều quan trọng nhất là cần quan tâm đặc biệt đến đội ngũ giảng viên vì chính các thầy, cô giáo mới là những người tạo ra chất lượng, tạo nên thương hiệu và mang lại giá trị bền vững cho nhà trường. Do đó, nhà trường cần phải thực hiện tốt những khâu liên quan đến giảng viên như tuyển dụng, chăm lo đời sống, bồi dưỡng chuyên môn, phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nhà giáo, lương tâm, trách nhiệm đối với người học… thì tất yếu chất lượng đội ngũ sẽ được nâng cao. 
1.2. Xây dựng cảnh quan của nhà trường
Cảnh quan nhà trường trước hết mang lại thiện cảm với nhà trường cho sinh viên và khách đến làm việc cũng như toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên. Trong khả năng có thể của mỗi trường, xây dựng cơ sở vật chất khang trang, trang bị các phương tiện phục vụ dạy và học hiện đại, sửa sang, sắp xếp lại cảnh quan sẽ tạo nên một môi trường thoáng đãng, sạch sẽ làm cho tâm hồn mỗi người khi bước vào đây trở nên thư thái. Sự mệt mỏi, căng thẳng dường như tan biến. Bối cảnh đó tạo điều kiện cho mọi hoạt động có hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Mỗi câu khẩu hiệu, mỗi tấm áp phích trong khuôn viên nhà trường đều phải được sắp xếp khoa học, đảm bảo thẩm mỹ và có nội dung phù hợp. 
Các trường đại học nói riêng và hệ thống nhà trường nói chung thường xây dựng các câu khẩu hiệu để thể hiện mục tiêu, định hướng giáo dục, những giá trị cốt lõi của nhà trường. Khi xây dựng các câu khẩu hiệu phải dựa trên nguyên tắc vừa phải chuyển tải được các giá trị cần lưu truyền đến thế hệ sau, đồng thời cũng là lời hiệu triệu để mọi thành viên trong nhà trường suy ngẫm và cố gắng phấn đấu trong học tập và công tác để góp phần hoàn thiện bản thân và phát triển nhà trường. Khẩu hiệu cần có nội dung ngắn gọn, thể hiện mục đích, ý nghĩa giáo dục, định hướng hành động cho các đối tượng trong nhà trường. Nội dung khẩu hiệu phải đảm bảo tính giáo dục, tính thực tiễn, rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thiết thực, ấn tượng; tính truyền thống và hội nhập; tính thẩm mĩ.
Ngoài ra, nhà trường cần quan tâm xây dựng kiến trúc, nơi bài trí cách làm việc; lô gô của trường, các tài liệu quảng cáo, giới thiệu về trường; cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các khoa, phòng, của Ban giám hiệu cũng như triết lý hoạt động, hệ thống giá trị cốt lõi, chiến lược phát triển của nhà trường cùng các quy định và nguyên tắc hoạt động. Nhà trường cũng cần chú trọng xây dựng trang phục cho cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên; xây dựng các quy tắc ứng xử.v.v. Những điều đó sẽ khắc họa được tính đặc thù trong giá trị văn hoá của nhà trường.
Trong quá trình xây dựng cảnh quan cần kết hợp giữa cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân tạo. Cần tạo điểm nhấn trong cảnh quan để thể hiện được đặc trưng riêng của nhà trường, không thể lẫn với trường nào khác. 
1.3. Xây dựng thiết chế văn hoá
Thiết chế văn hoá được hiểu là một tổ chức trong một nền văn hoá hoặc tiểu văn hoá, hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy văn hoá. Thiết chế văn hoá là cơ sở vật chất không thể thiếu trong trường đại học như thư viện, hội trường, sân khấu ngoài trời, khu thể thao, vườn hoa, phòng truyền thống... Thiết chế văn hoá cần được xây dựng mới hoặc sửa sang cho khang trang, hiện đại. Điều này rất quan trọng vì sinh viên trẻ trung, năng động nên nhu cầu hoạt động văn hoá cao và phong phú nên cần có sân chơi cho các em. Sinh viên vẫn tự hào về trường mình bởi có những thiết chế văn hoá đẹp, hiện đại. 
1.4. Xây dựng, hoàn thiện các quan hệ văn hoá trong nhà trường 
Những quan hệ này chủ yếu bao gồm quan hệ giữa cán bộ lãnh đạo, quản lý với giảng viên; giữa giảng viên với giảng viên; giữa giảng viên với sinh viên; giữa sinh viên với nhau.v.v.
Để xây dựng các quan hệ này theo chiều hướng tích cực, vừa bảo đảm giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của nhà trường, vừa tiếp thu tinh hoa của cái hiện đại hôm nay, cần phải xây dựng và áp dụng quy tắc ứng xử văn hoá. Quy tắc này theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2017, nhiều trường đại học đã xây dựng. Nhưng vấn đề là ở chỗ nó có phát huy được hiệu quả hay chỉ mang tính hình thức. Các quan hệ này cần dựa trên những chuẩn mực về giao tiếp ứng xử văn minh, lịch sự, tế nhị, tôn trọng lẫn nhau theo nguyên tắc tất cả vì người học. Nhà trường cần xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong trường học để tạo nên một bầu không khí tin cậy, tin tưởng lẫn nhau trong các quan hệ đó. Một khi đã có sự tin tưởng, tin cậy, một sự công bằng trong mọi lĩnh vực của nhà trường thì sẽ tạo động lực cho cán bộ, giảng viên, sinh viên tìm mọi giải pháp với ý chí quyết tâm cao để nâng cao chất lượng dạy và học, mang lại uy tín cho nhà trường. 
1.5. Đẩy mạnh, đa dạng hoá các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hoá 
Các hoạt động này góp phần tạo nên bầu không khí sôi nổi, tươi mới trong nhà trường, vừa tạo sân chơi lành mạnh cho sinh viên. Đó là hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao; hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống trong thời đại 4.0.v.v. Đẩy mạnh các hoạt động này nhưng cần chú trọng cả nội dung chứ không chỉ là hình thức. Tuy nhiên, cũng cần phải đảm bảo thời gian học tập, nghiên cứu khoa học cho giảng viên và sinh viên. Có thể tổ chức dưới hình thức các câu lạc bộ để thu hút sinh viên tham gia.v.v.
2. Đề xuất một số giải pháp để xây dựng môi trường văn hoá trong trường đại học
Xây dựng môi trường văn hoá trong trường đại học có nội dung rất phong phú, đa dạng. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề xuất một số giải pháp sau:
2.1. Phát huy vai trò của Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu trong xây dựng môi trường văn hoá
Sự lãnh đạo của Đảng uỷ, sự điều hành quản lý của Ban giám hiệu là điều kiện tiên quyết cho hiệu quả của việc xây dựng môi trường văn hoá trong trường đại học.
Trước hết, Đảng ủy phải nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hoá trong nhà trường. Có như vậy thì mới có thể lãnh đạo toàn trường thực hiện tốt công tác này. Nếu chỉ nhìn lợi ích ngắn hạn thì sẽ không thấy được tầm quan trọng của xây dựng môi trường văn hoá. Bởi vì công tác này giống như “mưa dầm thấm lâu”, không phải đưa lại hiệu quả tức thì. Một trường đại học có danh tiếng, thu hút được đông đảo người học, thu hút được nhiều giảng viên giỏi tìm đến là kết quả của quá trình xây dựng môi trường văn hoá của bao thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoảng thời gian dài, có thể mấy chục năm. Do đó, lãnh đạo nhà trường phải là người tâm huyết với trường, với sự nghiệp giáo dục - đào tạo, có tầm nhìn xa thì mới quan tâm, chú trọng việc xây dựng môi trường văn hoá. 
Vai trò lãnh đạo của Đảng ủy nhà trường trong xây dựng môi trường văn hoá được thể hiện: 
- Trên cơ sở chủ trương của Đảng và các văn bản về xây dựng môi trường văn hoá do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, Ban Chấp hành Đảng ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng môi trường văn hoá. Nghị quyết cần đánh giá tình hình xây dựng môi trường văn hoá trong thời gian qua của trường, chỉ ra nguyên nhân của kết quả và hạn chế, trình bày mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp và việc tổ chức thực hiện xây dựng môi trường văn hoá.
- Tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên trong toàn trường thực hiện nghị quyết.
- Phân công ủy viên Ban Chấp hành phụ trách hoạt động này, định kỳ có báo cáo cụ thể về thực trạng thực hiện để kịp thời phát huy ưu điểm cũng như khắc phục hạn chế.
- Giao nhiệm vụ cho các đảng viên, trước hết là các đảng viên giữ chức vụ quản lý trong nhà trường trong việc thực hiện nghị quyết. Lấy đội ngũ đảng viên làm nòng cốt trong việc thực hiện nghị quyết.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
- Xây dựng quy chế phối hợp thực hiện giữa các tổ chức trong nhà trường.
-  Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt và xử lý những người vi phạm.
Trên cơ sở sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường lập kế hoạch chi tiết, trong đó có lộ trình cụ thể, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong nhà trường và điều hành việc thực hiện.
2.2. Giảng viên cần gương mẫu trong xây dựng môi trường văn hoá
Quá trình thực hiện hoạt động này, giảng viên phải gương mẫu. Giảng viên là người mà sinh viên trực tiếp tiếp xúc. Sinh viên thường thông qua giảng viên đánh giá về nhà trường. Bởi vì đối với sinh viên thì nhà trường là ai? Nhà trường trước hết là các thầy cô giáo giảng dạy cho các em. Thầy cô giáo không gương mẫu trong lối sống, trong đạo đức, trong cư xử thì làm sao có thể thuyết phục sinh viên thực hiện xây dựng môi trường văn hoá. Nhưng trước khi cư xử tốt với sinh viên thì giảng viên nên cư xử tốt với đồng nghiệp của mình.
Để phát huy sự gương mẫu của giảng viên, vai trò của Khoa, của Bộ môn rất quan trọng. Ban chủ nhiệm khoa, trưởng, phó bộ môn phải kịp thời nắm bắt sự phản ánh của sinh viên đối với giảng viên về vấn đề này để trao đổi trực tiếp với giảng viên nhằm khắc phục, sửa chữa. Khoa, bộ môn không chỉ quản lý giảng viên về chuyên môn mà phải quản lý một cách toàn diện. Bởi vì không chỉ có sự yếu kém về chuyên môn làm giảm uy tín của khoa, bộ môn, của nhà trường mà chính đạo đức, lối sống, cư xử, tinh thần trách nhiệm của giảng viên đối với sinh viên cũng có ảnh hưởng không nhỏ. Đối với người Việt Nam và một số nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo thì nhiều khi những cái được xem là không quan trọng đối với các nước phương Tây lại là rất quan trọng đối với các nước này. Sự nhắc nhở của cán bộ khoa, bộ môn đối với giảng viên về vấn đề này cũng cần tế nhị, không ngoài mục đích xây dựng để tốt hơn, hoàn thiện hơn. 
2.3. Khơi dậy tính tích cực của sinh viên trong xây dựng môi trường văn hoá
Sinh viên ở lứa tuổi vốn sôi nổi, năng động nên nếu được cổ vũ, khuyến khích thì sẽ rất hăng hái, tích cực trong mọi hoạt động, góp phần tạo nên một môi trường văn hoá phong phú, đa dạng.
Để khơi dậy tính tích cực của sinh viên trong xây dựng môi trường văn hoá, xin đề xuất một số vấn đề sau: 
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để sinh viên hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa, nội dung của việc xây dựng môi trường văn hoá trong nhà trường.
- Thành lập các câu lạc bộ theo sở thích về văn hoá, nghệ thuật và vận động sinh viên đăng ký tham gia. Chẳng hạn như các câu lạc bộ: hát dân ca; đàn ghi ta; múa; cờ vua, cầu lông; bóng bàn; khiêu vũ.
- Phát động phong trào rèn luyện thể thao theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận động sinh viên tham gia môn thể thao mà mình yêu thích.
- Tổ chức các buổi nói chuyện về lối sống, về kỹ năng mềm, các buổi giao lưu văn hoá, thể dục thể thao giữa các khoa, giữa các khoá trong khoa.
- Tổ chức thi tìm hiểu về văn hoá của nhà trường với nội dung về quy chế ứng xử văn hoá, về lịch sử và truyền thống của trường.v.v.
2.4. Phát huy vai trò của các đoàn thể trong nhà trường
Trong trường đại học, sinh viên có các đoàn thể là Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên. Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường và trước sự tác động tiêu cực của văn hoá ngoại lai, nhiều giá trị văn hoá thiếu chuẩn mực, thái độ, hành vi, lối sống lệch chuẩn, tệ nạn xã hội đang ngày càng gia tăng trong sinh viên thì càng cần phải phát huy vai trò của Đoàn và Hội. Các tổ chức này có thể phát huy vai trò của mình thông qua một số hoạt động sau.
- Tổ chức các hoạt động phong trào phong phú, đa dạng để thu hút sinh viên tham gia như các diễn đàn, nói chuyện chuyên đề, các câu lạc bộ, nhóm tình nguyện.
- Kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng trong sinh viên để giải toả vướng mắc đồng thời ngăn chặn những tư tưởng, lối sống tiêu cực, thiếu lành mạnh.
- Vận động các sinh viên quốc tế tham gia xây dựng môi trường văn hoá như tham gia biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động nhân đạo từ thiện, hoạt động xã hội, thi tìm hiểu về văn hoá Việt Nam, văn hoá các nước có sinh viên tham gia học ở trường. Lập các nhóm để giúp đỡ các em khắc phục khó khăn trong học tập, trong cuộc sống. Tạo môi trường thân thiện để các em không thấy cô đơn, lạc lõng khi học ở trường.v.v.
Tóm lại, xây dựng môi trường văn hoá là nhằm góp phần khẳng định vị thế và uy tín của một trường đại học. Một môi trường văn hoá lành mạnh, tiên tiến, văn minh sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo và giá trị của nhà trường. Muốn xây dựng một môi trường văn hoá tốt, trước hết, cần có trí tuệ và ý chí quyết tâm, sự đồng thuận của các tổ chức trong nhà trường, của toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên.

Cùng chuyên mục