Quay lại

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI Nghệ An năm 2022

Nguyễn Thị Minh Tú  |   8/6/2023

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần và 142 chỉ tiêu đánh giá, phản ánh những lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động tới sự phát triển doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Cụ thể, một tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt, khi có: 1) Chi phí gia nhâp thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) Chi phí không chính thức thấp; 5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8) Các chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp dễ tiếp cận và phù hợp với doanh nghiệp; 9) Chính sách đào tạo lao động tốt và 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì, đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

1. Chỉ số PCI năm 2022 trên phạm vi cả nước
Báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam (trong đó 8.478 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước, 2.112 doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh trong 2 năm qua tại 63 tỉnh, thành phố và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI đến từ 42 quốc gia, vùng lãnh thổ đang hoạt động tại 19 địa phương có số DN FDI nhiều nhất tại Việt Nam). Năm 2022 ghi nhận 6 xu hướng thay đổi về chất lượng điều hành cấp tỉnh: (1) Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh có sự cải thiện theo thời gian (năm thứ 6 liên tiếp, tỉnh trung vị PCI tiếp tục có điểm số trên 60 điểm trên thang điểm 100. Điểm PCI gốc năm 2022 đạt 65,67 điểm, cao hơn 0,37 điểm so với điểm PCI gốc năm 2021 (65,37 điểm) và liên tục tăng từ 2017 đến 2022); (2) Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có chuyển biến song các doanh nghiệp vẫn báo cáo tình trạng phiền hà ở một số lĩnh vực chủ chốt như là thuế, phí (35% lượt doanh nghiệp lựa chọn), giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%), phòng cháy chữa cháy (13%) và xây dựng (13%)); (3) Chất lượng thực thi chính sách ở cấp sở ngành và cấp huyện còn nhiều không gian để cải thiện; (4) Tình trạng trả chi phí không chính thức duy trì xu hướng giảm, một dấu hiệu đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” lại gia tăng đáng kể, từ mức 57,4% năm 2021 lên 71,7% năm 2022); (5) Tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn, đòi hỏi những nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới (42,9% doanh nghiệp cho biết khó khăn với thủ tục đất đai khiến họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2022); (6) Nhiều loại thông tin và tài liệu đã minh bạch hơn so với trước đây nhưng các doanh nghiệp kỳ vọng khả năng tiếp cận thông tin được cải thiện hơn nữa (Tài liệu khó tiếp cận nhất với doanh nghiệp là bản đồ và các quy hoạch sử dụng đất, các kế hoạch đầu tư công, chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương và kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới).
Vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong Điều tra PCI 2022 bao gồm: tiếp cận vốn (55,6%), tìm kiếm khách hàng (55,1%), khó khăn từ tác động của dịch bệnh COVID-19 (34,1%), biến động thị trường (23,8%), và tìm kiếm đối tác kinh doanh (21,4%).
Đối với các doanh nghiệp FDI, 5 phát hiện điều tra năm 2022: Cơ cấu doanh nghiệp FDI có sự dịch chuyển sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao. Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp FDI tiếp tục cải thiện kể từ đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp FDI tiếp tục có đánh giá tích cực về chất lượng môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân lao động. Các doanh nghiệp FDI thận trọng khi mở rộng quy mô đầu tư.
Kết quả xếp hạng PCI năm 2022, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng với 72,95 điểm, là tỉnh có nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính: là một trong những tỉnh mạnh dạn trong huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư”. Tỉnh đang tiến tới thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo “năm bước trên môi trường điện tử”, cụ thể là thực hiện các khâu tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả đều được thực hiện trực tuyến toàn bộ. Quảng Ninh luôn chủ động nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, cũng như những khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp gặp phải để tìm cách tháo gỡ, giải quyết với tư duy “chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ”. Và top 5 trong bảng xếp hạng PCI gồm các tỉnh Bắc Giang - Hải Phòng - Bà Rịa Vũng Tàu - Đồng Tháp. 

Các tỉnh, thành phố có chỉ số xếp hạng PCI top 30 năm 2022

2. Nghệ An trong bảng xếp hạng PCI năm 2022
 
Theo kết quả công bố Nghệ An đứng vị trí thứ 23/63 tỉnh thành trong cả nước, đứng thứ 3 vùng Bắc Trung bộ (sau Thừa Thiên Huế và Hà Tĩnh) với 66,6/100 điểm (năm 2021 là 64,74/100 điểm), vị trí thứ hạng tăng 7 bậc so năm 2021, điểm tăng 1,86 điểm. Để thấy rõ sự cải thiện hay tồn tại trên các chỉ số, chúng ta so sánh vị thứ của Nghệ An trong 63 tỉnh thành trên từng chỉ số tại Bảng 1.

Bảng 1: Điểm số chỉ số thành phần tỉnh Nghệ An năm 2021-2022


Qua số liệu cho thấy có 5 chỉ số thành phần tăng bậc, trong đó 3 chỉ số được cải thiện tốt so năm 2021 đó là Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng tăng 51 bậc, Chỉ số Tính năng động tăng 34 bậc, Chỉ số Chi phí không chính thức tăng 18 bậc. 
Tuy nhiên, có 5 chỉ số thành phần giảm bậc: Gia nhập thị trường giảm 17 bậc, Đào tạo lao động và Thiết chế pháp lý và ANTT giảm 17 bậc; Chi phí thời gian giảm 12 bậc và Tiếp cận đất đai giảm 5 bậc. Có những chỉ số thứ hạng thấp so với các tỉnh, thành phố. 
(1) Chỉ số Đào tạo lao động: Xếp vị trí thứ 47/63, là chỉ số thành phần thấp nhất năm 2022, giảm 16 bậc so năm 2021, được xác định bằng việc lấy ý kiến các doanh nghiệp qua 11 tiêu chí. Qua số liệu cho thấy: Lao động tại tỉnh chưa đáp ứng phần lớn nhu cầu sử dụng của DN; Giáo dục phổ thông có chất lượng tốt đang thấp.

Bảng 2: Kết quả các tiêu chí chỉ số Đào tạo lao động của Nghệ An và so sánh với mức bình quân chung và min, max của cả nước

(2) Chỉ số Gia nhập thị trường: Xếp vị trí thứ 46/63, giảm 17 bậc so năm 2021, được xác định bằng việc lấy ý kiến các doanh nghiệp qua 19 tiêu chí. Qua đó cho thấy tồn tại: DN phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký KD từ lần 2 trở lên; Tỷ lệ DN đăng ký hoặc sửa đổi đăng ký doanh nghiệp thông qua hình thức mới như đăng ký trực tuyến, đăng ký ở trung tâm hành chính công hoặc qua bưu điện chiếm tỷ lệ lớn; Hướng dẫn thủ tục chưa rõ ràng, đầy đủ; Cán bộ tại bộ phận một cửa am hiểu về chuyên môn, nhiệt tình thân thiện với tỷ lệ đánh giá DN thấp so với trung vị cả nước.
Bảng 3: Kết quả các tiêu chí trong chỉ số Gia nhập thị trường của Nghệ An và so sánh với mức bình quân chung và min, max của cả nước


(3) Chỉ số Tiếp cận đất đai: Xếp vị trí thứ 45/63, giảm 5 bậc so năm 2021, được xác định bằng việc lấy ý kiến các doanh nghiệp qua 14 tiêu chí. Qua số liệu cho thấy tồn tại: DN gặp cản trở tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh; Thông tin, dữ liệu về đất đai không được cung cấp thuận lợi, nhanh chóng; Thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định; DN phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai…

Bảng 4: Kết quả các tiêu chí trong chỉ số Tiếp cận đất đai của Nghệ An và so sánh với mức bình quân chung và min, max của cả nước
(4) Chỉ số Chi phí thời gian: Xếp vị trí thứ 42/63, giảm 12 bậc so năm 2021, được xác định bằng việc lấy ý kiến các doanh nghiệp qua 14 tiêu chí. Qua số liệu cho thấy: Cán bộ nhà nước thân thiện, giải quyết công việc hiệu quả đang được đánh giá thấp; Thủ tục giấy tờ chưa đơn giản; Nội dung làm việc của các đoàn thanh, kiểm tra bị trùng lặp; DN phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký…

Bảng 5: Kết quả các tiêu chí trong chỉ số Chi phí thời gian của Nghệ An và so sánh với mức bình quân chung và min, max của cả nước

Kết quả bảng 2-5 cho thấy những vấn đề tồn tại như: Lao động chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của DN; DN gặp cản trở tiếp cận đất đai; Thông tin, dữ liệu về đất đai không được cung cấp thuận lợi, nhanh chóng; DN phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký KD từ lần 2 trở lên; Hướng dẫn thủ tục chưa rõ ràng, đầy đủ; Cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả đang được đánh giá thấp; DN phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký…
3. Một số kiến nghị để cải thiện chỉ số PCI tỉnh thời gian tới
Thứ nhất, Cải thiện các chỉ số xếp hạng thấp
(1) Chỉ số Đào tạo lao động: Xây dựng phương án hợp tác, liên kết giữa cơ sở đào tạo với DN để thực hiện việc đào tạo nghề, nhân lực gắn với các ngành theo định hướng đầu tư của tỉnh, đảm bảo chuẩn đầu ra và nhu cầu thị trường, chú trọng đào tạo cán bộ kỹ thuật có tay nghề, có kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, tin học… Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin tuyển dụng lao động của các dự án lớn phải đến từng đơn vị cấp huyện, xã, thôn, xóm…; Có giải pháp thu hút lực lượng lao động đã có tay nghề từ các khu công nghiệp của các tỉnh khác về quê hương làm việc. 
(2) Chỉ số Gia nhập thị trường: Tiếp tục vận hành hiệu quả Cổng dịch vụ hỗ trợ và phát triển DN cung cấp các dịch vụ online đến công dân, doanh nghiệp. Nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn, đạo đức công vụ, văn hoá ứng xử, giao tiếp của cán bộ, công chức làm việc tại các bộ phận tiếp nhận hồ sơ của công dân, doanh nghiệp. Hướng dẫn các thủ tục hồ sơ đầy đủ và chính xác. 

Một góc khu công nghiệp VSIP Nghệ An

(3) Chỉ số Tiếp cận đất đai: Thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất công khai, minh bạch. Đồng thời tổ chức thông báo công khai quy hoạch diện tích đất dành cho doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm mặt bằng để triển khai dự án sản xuất, kinh doanh ngoài các khu, cụm công nghiệp. Đảm bảo dành tối thiểu 5 ha đất công nghiệp hoặc tối thiểu 3% tổng diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng, văn phòng, kho bãi) để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Hình thành dần các cụm công nghiệp chuyên ngành, liên ngành để có chính sách và thu hút công nghiệp hỗ trợ.
(4) Chỉ số Chi phí thời gian: Hoàn thiện chính quyền điện tử, chuyển đổi số; Xây dựng dữ liệu điện tử, kết hợp nâng cấp dịch vụ công cấp độ 4 để minh bạch thông tin. Tiếp tục đơn giản hóa TTHC một số lĩnh vực trọng tâm như: Đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng…
Thứ hai, Hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái đầu tư, sản xuất, kinh doanh để giúp lực lượng doanh nghiệp hình thành và phát triển tăng tốc về số lượng và chất lượng. Tức là bên cạnh xây dựng, hoàn thiện nâng cao chất lượng môi trường đầu tư mà cần xây dựng mối tương tác thuận lợi, nhiều chiều giữa các thành tố của Hệ sinh thái gồm chính quyền - doanh nghiệp, doanh nghiệp - doanh nghiệp, doanh nghiệp - giới truyền thông, doanh nghiệp - các tổ chức xã hội, doanh nghiệp với người dân,...
Thứ ba, Đẩy nhanh quá trình xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử. Tập trung xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện và mở rộng sản xuất. Thành lập các tổ công tác trực tiếp hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc. Khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp: hỗ trợ về thủ tục hành chính, hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức quản lý doanh nghiệp, nghiệp vụ kế toán, thủ tục thuế, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ xúc tiến thương mại...
Thứ tư, Xác định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành trong kế hoạch hành động. Xác định những ưu tiên trọng tâm, quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất; xây dựng văn hoá đồng hành cùng doanh nghiệp với phương châm phục vụ, đồng hành cùng họ trong suốt quá trình triển khai, sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Chính quyền mở rộng kênh tương tác với cộng đồng DN, tiếp thu ý kiến qua mạng xã hội và chủ động trong việc đón nhận thông tin để xử lý kịp thời. Một chính quyền thân thiện, năng động, cầu thị và luôn phục vụ, hỗ trợ tận tình các doanh nghiệp đầu tư và người dân là hình ảnh cần có để các DN vừa là bên hưởng lợi, vừa là người “chấm điểm”, đánh giá. Đánh giá năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và các sở, ngành DDCI (Department and District Competitiveness Index) để đánh giá khách quan năng lực điều hành của lãnh đạo chính quyền địa phương và sở, ban, ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Thứ năm, Phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh làm tốt hơn nữa cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp; tập hợp các kiến nghị về khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất với các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ.q
Tài liệu tham khảo
1. Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam, Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam năm 2021 và 2022.
2. Quyết định số 5158/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành chương trình cải cách hành chính nhà nước tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030.
3. Quyết định số 235/QĐ-UBND ngày 24/01/2022 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt đề án “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025”.
4. Báo cáo khoa học đề tài KH&CN cấp tỉnh (2023): Thực trạng và giải pháp phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân tỉnh Nghệ An trong bối cảnh mới.

Cùng chuyên mục