Quay lại

Bác Hồ sử dụng tiền công lao động và tiền nhuận bút như thế nào?

Nguyễn Văn Toàn  |   31/1/2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Khi không cần tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng” .

Người sử dụng tiền công lao động để làm gì?
Ngày 5/6/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên tàu L'Admiral Latouche Trévill (một tàu lớn vừa chở hàng vừa chở khách của hãng Chargeurs Réunis của Pháp) với vai trò phụ bếp, rời bến cảng Nhà Rồng ra nước ngoài tìm đường cứu nước. 
Về sự kiện trọng đại này, sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của tác giả Trần Dân Tiên viết rằng: “Một vị trí thức ở Sài Gòn kể lại cho tôi: “Trong khi còn học ở trường Chasseloup–Laubat, tôi gặp một người thanh niên ở Trung bộ vào Sài Gòn ở nhà một người bạn. Vì cùng một lứa tuổi, cho nên chúng tôi lập tức trở nên đôi bạn thân…
Sau ít hôm, anh đột nhiên hỏi tôi: “Anh Lê, anh có yêu nước không?”
Tôi ngạc nhiên và đáp: “Tất nhiên là có chứ!”
“Anh có thể giữ bí mật không?”
“Có”. 
“Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm… Anh muốn đi với tôi không?” 
“Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?”
“Đây, tiền đây” – Anh bạn của tôi vừa nói vừa giơ hai bàn tay - “Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Thế thì anh cùng đi với tôi chứ?” 
Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của anh, tôi đồng ý. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ về cuộc phiêu lưu, tôi không có đủ can đảm để giữ lời hứa. Vài ngày sau, tôi không gặp lại anh bạn nữa. Tôi đoán là anh ta đã đi ngoại quốc. Anh ta đi bằng cách nào? Tôi không biết. Về sau, tôi chỉ biết người thanh niên yêu nước đầy nhiệt huyết ấy là Cụ Nguyễn Ái Quốc, là Hồ Chủ tịch của chúng ta ngày nay” .
Một ngày làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tàu L'Admiral Latouche Trévill từ rất nặng nhọc, kéo dài từ 4 giờ sáng hàng ngày đến 9 giờ tối, suốt tháng không có ngày nghỉ, ông chủ chỉ trả mỗi tháng không quá 50 Franc, là thứ tiền công rẻ mạt nhất cho một lao động, nhưng Người không nản lòng. Kỹ sư Bùi Quang Chiêu, một tri thức có địa vị cao ở Sài Gòn, thật bất ngờ khi gặp Người trên con tàu ấy, ông đã nói với Người: “Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này? Bỏ nghề này đi. Con nên chọn một nghề khác danh giá hơn…”. Người lễ phép cảm ơn ông Bùi Quang Chiêu nhưng vẫn kiên định con đường xuất dương tìm đường cứu nước. 
Là một người con chí hiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi tiền về cho thân phụ Nguyễn Sinh Sắc khi Người biết tin thân phụ mình đã từ quan và sống khó khăn. Ngày 31/10/1911, Người gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ chuyển giúp số tiền 15 đồng cho thân phụ mà Người không có điều kiện gửi trực tiếp. Số tiền này Người dành dụm được khi làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche Trévill. Số tiền trên được cụ Nguyễn Sinh Sắc ký nhận ngày 9/11/1911. Ngày 5/12/1912, Người lại gửi thư cho Khâm sứ Trung kỳ nhờ cho biết tình hình và địa chỉ của thân phụ. Người viết trong thư đã gửi cho cha 3 ngân phiếu, nhưng mới chỉ nhận được một lần trả lời.
Khoảng giữa năm 1913, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nước Anh và Người đã ở đất nước này đến năm 1917. Ở Luân Đôn, Người xin làm quét tuyết cho một trường học, sau đó Người làm thợ đốt lò ở Trung tâm sưởi ấm. Lao động cực kỳ nặng nhọc, tiền công rất thấp nhưng Người đã dè sẻn số tiền này để sinh sống và để trả công thầy dạy tiếng Anh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại kho tàng đồ sộ với hơn 2.000 bài báo. Ảnh tư liệu lịch sử

Trong thời gian ở nước Pháp (1917-1923), những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo cánh tả ở Pháp nên số tiền nhuận bút không nhiều. Tuy nhiên, nó cũng của giúp Người có thêm trang trải trong cuộc sống để hoạt động cách mạng. Trong một lần, Người viết một truyện ngắn kể về đời sống cực khổ của người lao động nghèo nơi Người sống và gửi cho báo Nhân đạo (L'Humanité). Mấy hôm sau, truyện được đăng, Người rất vui khi được trả 50 Franc nhuận bút. Số tiền đó đủ để Người sống trong 25 ngày nhưng người vẫn tiết kiệm để dùng vào việc cần thiết. Vì vậy, ban ngày Người đi làm, tối tham gia vận động cách mạng, đêm lại vẫn ngồi cặm cụi viết báo để lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân. Để duy trì báo Người cùng khổ (Le Paria), là diễn đàn tố cáo tội ác của bọn thực dân của Hội Liên hiệp thuộc địa, Người ủng hộ rất đều cho báo mỗi tháng 25 Franc.
Cuối năm 1924, khi từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động cách mạng theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục cộng tác, viết bài cho một số tờ báo ở Liên Xô, trong đó có tạp chí Nữ công nhân (Rabotnitsa). Sau đây là một phần bức thư Người gửi cho Ban biên tập tạp chí Nữ công nhân vào ngày 12/11/1924: “Khi tôi còn ở Quốc tế Cộng sản, tôi rất phấn khởi được đôi lần cộng tác với tờ báo của các đồng chí. Nay tôi muốn tiếp tục sự cộng tác ấy... Xin các đồng chí gửi đều đặn cho tôi không chỉ riêng báo của các đồng chí, mà cả những sách báo Nga mà phụ nữ và thiếu nhi có thể ưa thích, bởi vì ở đây còn phải làm nhiều việc vận động phụ nữ và thiếu nhi, nhưng các đồng chí của chúng ta ở đây lại chưa có đủ tài liệu huấn luyện và tuyên truyền. Về phần tôi, tôi hứa sẽ cung cấp cho các đồng chí tin tức về phong trào phụ nữ ở phương Đông nói chung và ở Trung Quốc nói riêng. Nếu phải trả tiền đặt mua các báo mà các đồng chí đã gửi cho tôi, xin các đồng chí cứ giữ lại tiền thù lao các bài báo tôi viết để trả”. 
Trên gương vị Chủ tịch nước
Sau khi nước nhà độc lập (2/9/1945), ngoài lương tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có phụ cấp đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, Người còn viết báo, viết sách. Mỗi lần có tiền nhuận bút gửi đến, Văn phòng Chủ tịch nước đều báo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và gửi vào sổ tiết kiệm cho Người. 
Hồi còn ở Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), trong một cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng bút “Anh hùng” cho các thành viên trong Hội đồng Chính phủ. Số bút này Người sử dụng nhuận bút của Người để mua.
Nhân Ngày thương binh, liệt sĩ đầu tiên (27/7/1947), qua Ban Thường trực, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương của Người, tiền một bữa ăn của Người.
Mùa hè năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn thấy các chiến sĩ trọng liên 14,5mm trực chiến trên nóc hội trường Ba Đình (Thủ đô Hà Nội) trong cái nắng hầm hập như thiêu như đốt. Sau đó, Người đã nhờ đồng chí thư ký Vũ Kỳ lấy sổ tiết kiệm trị giá 25.000 đồng tiền nhuận bút mà các báo trả cho Người chuyển cho Bộ Tổng tham mưu để mua nước uống cho các chiến sĩ trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Về sau, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân báo cáo lại cho Văn phòng Phủ Chủ tịch biết: Số tiền của Người đủ mua nước uống cho bộ đội phòng không, không quân được một tuần.
Box: Báo Quốc gia góp lợi nhuận vào công quỹ Nhà nước
Gần đến Tết Âm lịch 1946, các ông chủ báo tư nhân ở Hà Nội đều tập trung lo cho số Tết. Đây là số báo quan trọng nhất trong năm vì nó thể hiện thương hiệu của tòa báo. Và cũng bởi Tết Bính Tuất 1946 cũng là Tết Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Làm sao đưa đến cho độc giả không khí mừng Xuân, mừng Độc lập một cách phong phú và hấp dẫn nhất đây?
Báo Quốc gia (trụ sở ở số 67, phố Cửa Nam, Hà Nội) do ông Lê Quang Thiều làm chủ bút cũng có suy nghĩ như vậy. 
Để hấp dẫn bạn đọc, ông Lê Quang Thiều và tập thể tòa soạn cho rằng báo Quốc gia số Tết phải có bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc.
Chủ bút Lê Quang Thiều và phóng viên Lê Chương đã đến Bắc Bộ Phủ xin Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho một bài để đăng ở trang nhất. Người tiếp các nhà báo của báo Quốc gia rất thân mật và Người vui vẻ nhận lời đề nghị của báo Quốc gia. 
Được tin, cả toà soạn báo Quốc gia vui mừng, đợi chờ, khi tờ báo đã lên khuôn, chỉ còn trang nhất, chờ bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi cả toà soạn ngóng chờ, thì có anh Vệ quốc đoàn mang đến trao cho chủ bút phong thư của Người gửi. Mở phong thư ra, mọi người thấy tấm phong bì làm bằng tờ giấy đã viết một mặt. Trong phong bì chỉ có một bài báo Tết cũng là bài thơ Xuân của Người được viết ở mặt sau của tờ lịch cũ: 
TẶNG BÁO “QUỐC GIA”

Tết này mới thật Tết dân ta
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia
Độc lập đầy vơi ba cốc rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa
Muôn nhà đón mừng Xuân Dân chủ
Cả nước hoan nghênh phúc Cộng hoà
Ta chúc nhau rồi, ta nhớ chúc
Những người chiến sĩ ở phương xa

Hồ Chí Minh

Tờ báo Quốc gia số Tết Âm lịch 1946 được độc giả đón nhận nhiệt liệt. Tờ báo in đi in lại nhiều lần mà vẫn không đáp ứng đủ cho bạn đọc. Điều đặc biệt là ông Lê Quang Thiều, chủ bút của báo đã quyết định tặng tất cả số tiền có được từ việc phát hành số báo đó vào công quỹ của Nhà nước để phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. 
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,  1995, tr. 637.
2. Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Nxb. Trẻ - Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 13-14

Cùng chuyên mục