Quay lại

Rồng và Rồng triều Lý - Trần qua một số hiện vật phát hiện ở xứ Nghệ

Đào Tam Tỉnh  |   29/1/2024

Hình tượng rồng được dùng làm đề tài khá phổ biến trong các nền nghệ thuật cổ trên thế giới. Hình ảnh, hình dáng rồng được thể hiện trong nghệ thuật mang ý nghĩa riêng và theo quan điểm riêng của từng nước, từng châu lục, thậm chí đối lập nhau. Rồng ở phương Tây đại diện cho cái ác, cái xấu, thì ngược lại rồng ở phương Đông lại đại diện cho cái thiện và cho vật linh thiêng đáng kính trọng.

Hình tượng rồng ở Trung Quốc tượng trưng cho thần linh quan trọng, đầy sức mạnh, hình thái đẹp đẽ, giương nanh múa vuốt vùng vẫy giữa mây nước, đầy vẻ anh hùng. Nó còn tượng trưng cho sự đầy đủ, thịnh vượng, vươn lên mạnh mẽ. Nó là biểu hiện của vua chúa đứng đầu đất nước, là nhà cầm quyền, một thực thể thực sự có quyền năng thống trị, là vị thần bảo trợ quốc gia.
Rồng ở nước ta được tượng trưng cho sự cao quí linh thiêng. Nó là con vật đứng đầu “tứ linh” (bốn con vật linh thiêng: long, ly, quy, phượng). Nó thường được chạm ở những nơi linh thiêng, với hình dáng rất trang trọng và tượng trưng cho quyền lực của nhà vua. Nó cũng tượng trưng cho điềm lành, cho sự phồn thịnh. Từ xưa nó được coi như là vật tổ của cư dân trồng lúa nước. Người dân nước ta có tục thờ thần rồng (giao long) và thần rắn với ước mong là thần sẽ phù hộ mang lại mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, ấm no, hạnh phúc. Con rồng ở Việt Nam qua tư liệu dân gian có nguồn gốc từ xa xưa. Truyền thuyết nói rằng người Việt là “Con Rồng, cháu Tiên” và không phải vô cớ khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông, năm 1290 đã dặn con mình khi tổ chức xăm trổ hình rồng:

Gạch hình Rồng thời Lý tại Di tích đền Huyện (Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh)

Tháng 8, Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh.
Thượng hoàng có lần ngự cung Trùng Quang, vua đến chầu, Quốc công Quốc Tuấn đi theo. Thượng hoàng nói:
“Nhà ta vốn là người hạ lưu (thủy tổ người Hiển Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc” (Đại Việt sử ký toàn thư.- H., KHXH, 1998,- Tr. 77).
Các nhà khảo cổ học và khoa học cho rằng tổ tiên con rồng Việt với tên gọi là thuồng luồng hoặc giao long. Rất có thể con cá sấu được cách điệu trên các đồ đồng Đông Sơn, thạp Đào Thịnh, qua đồng núi Voi... như là hình tượng rồng vật tổ để thờ của người Việt thời sơ sử. Suốt thời kỳ Bắc thuộc hình tượng rồng ngày càng rõ và xuất hiện trên nhiều hiện vật cổ còn để lại đến ngày nay: Một đôi trên trán bia Trường Xuân, Thanh Hóa (năm 618), một đôi trên quả chuông Thanh Mai, Hà Nội (năm 798), một đôi trên quai chuông thời Ngô ở thôn Nhật Tảo, Hà Nội và một con rồng đá xám to lớn ở Bắc Ninh có niên đại 948... Hình tượng rồng càng tiêu biểu và xuất hiện ngày càng nhiều trên các công trình kiến trúc cung đình, đền đài, miếu mạo, chùa chiền, nhà thờ... và vô số các đồ vật, vật dùng kể từ thời nhà Lý cho đến triều Nguyễn. Do hoàn cảnh xã hội thay đổi qua các triều đại và sức sáng tạo đổi mới cho phù hợp với thời đại của các nghệ nhân mà hình tượng rồng cứ thay đổi dần ý nghĩa cũng như hình dáng bố cục và các thành phần kết cấu.

Gạch hình Rồng thời Trần Hồ tại Di tích đền Vua Hồ, Bàu Đột, Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu

Hoa văn hình rồng triều Lý luôn có một kiểu dáng nhất quán, cho dù những di tích cách nhau hàng trăm cây số và thời gian cách nhau hàng trăm năm thì hình rồng không có thay đổi về cơ bản. Điều đó chứng tỏ triều đình nhà Lý có những qui định rất nghiêm ngặt, bắt buộc các nghệ nhân chạm, điêu khắc phải tuân thủ triệt để và khác hẳn các thời sau. Con rồng thời Lý về cơ bản có thân hình dài của một con rắn, luôn luôn được bố cục theo lối nhìn nghiêng. Thân rồng luôn cuộn lên cuộn xuống theo hình sin lượn sóng kéo dài từ đầu cho đến đuôi, các bước sóng hẹp, sóng lại uốn phình to tạo những hình thắt eo mà các nhà nghiên cứu quen gọi là hình “thắt túi” và cứ thế kéo mãi ra tận đuôi. Đây chính là đặc điểm riêng của hình rồng triều Lý. Hình rồng  triều Lý rất đẹp và nổi tiếng ở nhiều công trình triều Lý, mà tiêu biểu nhất là các hình rồng trang trí cho các cung điện Kinh đô Thăng Long mà khảo cổ học đã phát hiện, được trưng bày tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Về chi tiết, thân rồng có đồ án thể hiện có vảy hoặc không có vảy, nhưng trên thân những rồng to đều có vây và dưới bụng có lớp vảy đốt ngang như rắn. Chân rồng có 4 cái và đều có khuỷu và 3 ngón. Đầu rồng là bộ phận đặc sắc hơn cả với bố cục chung có 2 loại: Loại cổ dướn lên, đầu ngẩng cao; loại khác có cổ uốn xuống và từ dưới thấp đầu gần như gập khúc để uốn ngược lên. Qua hình rồng được chạm khắc ở các di tích còn lại đến ngày nay, người ta thấy hình rồng cổ ngẩng có vai trò quan trọng hơn. Đây như là biểu hiện của đất nước độc lập, tự chủ, đi lên, mở ra một kỷ nguyên mới phát triển thịnh vượng của Đại Việt và xã hội phong kiến Việt Nam do triều Lý sáng lập nên.
Rồng thời Trần vẫn tiếp thu các đặc điểm của rồng triều Lý, nhưng các nghệ nhân đã không bị bó buộc theo hình mẫu qui định, mà được tự do hơn trong mô tả phác họa dưới nhiều hình thức, kiểu dáng và các thành phần khác nhau, phong phú và phức tạp hơn, nhất là hình rồng ở các chùa làng. Đồ án mào lửa rồng thời Trần vẫn tiếp tục tồn tại nhưng nó không dài và xoắn lại như ở hình rồng thời Lý. Vào cuối thời Trần, mào lửa đã quá ngắn hoặc chỉ nhú lên một tý mà thôi. Các bộ phận như răng nanh, bờm, râu, vây, móng chân... rồng thời Trần vẫn còn, nhưng không đầy đủ đúng mẫu như thời Lý. Các hoa văn hình chữ S và hình Ô mê ga ở trên đầu rồng thời Trần đã không còn nữa. Riêng chân rồng thời Trần đã xuất hiện có 4 móng với vuốt sắc nhọn... Nhìn chung rồng thời Trần đã có dáng mập mạp khỏe khoắn hơn, thân lượn thoáng hơn và không thắt túi hình sin như khuôn mẫu triều Lý. Vào thời Hồ (1400-1407), Hồ Quý Ly đã cho chế tiền giấy “Thông Bảo hội sao”, mỗi loại tiền có một hoa văn trang trí khác nhau, trong đó có loại tiền vẽ rồng trong bộ tứ linh theo giá trị của tiền.  
Về cái đầu rồng đất nung triều Lý sưu tầm được ở khu vực đền Cả, thị trấn Xuân Giang, huyện Nghi Xuân có những đặc điểm như sau:
Đầu rồng này là loại dùng để gắn trang trí trên nóc công trình kiến trúc, bị bể một ít phía bên trái và góc trên bên phải. Đầu cao 28,5 cm (đo nơi cao nhất), ngang nơi rộng nhất 19 cm. Đầu ở tư thế hơi ngẩng lên, miệng há rộng với hai hàm răng đang hứng ngậm một viên hình tròn mà người ta quen gọi là ngọc báu. Viên ngọc có đường kính 5,4 cm, từ giữa trung tâm có khắc hoa văn hình sợi vòng xoắn trôn ốc theo chiều kim đồng hồ cho lên đến sát mép hàm răng trên. Râu hai bên như mọc ra từ hai chiếc răng nanh cuối của hàm trên kéo dài ra, uốn cong lại rồi vắt qua mép trên như xâu vào mào của rồng, râu có khắc vạch hai bên nối nhau, đấu đỉnh như vây. Mào rồng lại được kéo dài thành như một chiếc lá đề uốn vòng lên phía trên và hướng về phía trước ngay trên hàm răng trên. Phần đuôi đắp nổi tròn như mọc ra đột ngột từ mép trong hàm lên mào uốn hình sin và thon dần theo sống cuống lá đề. Trên phần đuôi này có khắc hai vạch hình sin chạy song song cho đến hết chóp đuôi. Chung quanh mào, hai bên dọc theo đuôi rồng có viền sáng kiểu ngọn lửa và khắc vạch như vây bờm tóc. Mắt rồng tròn, hơi lồi, có ngấn mi chớp. Phía trên mắt là hàng lông mày hơi nổi và trên mép trên hơi dịch vào phía trong có một chấm tròn nhỏ nổi lên, trông như một mắt phụ rất sinh động. Bố cục của chiếc đầu rồng này thật gọn với các chi tiết kết cấu hợp lý và sống động. Tuy không có đầy đủ hình dáng, các bộ phận cả con rồng, nhưng lại làm nổi nét một con rồng hoàn chỉnh trong trí tưởng tượng của chúng ta ngày nay.
Viên gạch hình lá đề hay lưỡi đao có rồng cả hai mặt triều Lý - Trần (xem ảnh) dùng để trang trí trên nóc công trình kiến trúc phát hiện được ở Bàu Đột, Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, cao 27 cm, chiều ngang nơi rộng nhất 11 cm, đế 2,5 x 10 cm, chuôi cắm 5,3 x 6 cm. Bố cục rồng, đầu hơi ngẩng lên, miệng há rộng như đang hứng một viên ngọc báu. Hai hàm để lộ ra đầy những răng nhọn. Riêng ở hai chiếc răng cuối của hàm trên được biến thành răng nanh mọc dài ra, uốn cong lại rồi vắt qua mép trên tỳ vào mũi của rồng. Còn chiếc mũi này lại được kéo dài thành như một mào hình voi mà có người cho rằng đó là hiện tích của thành phần con voi. Mào của rồng hơi uốn khúc và chung quanh có viền sáng kiểu ngọn lửa. Môi dưới của rồng ngắn nhưng lưỡi lại rất dài, chạy từ trong ra hàm dưới, rồi uốn lượn sóng vươn ra ngoài như muốn đỡ lấy viên ngọc báu đang lơ lửng trong không trung. Mắt rồng tròn, hơi lồi, phía trên lông mày có hình ô mê ga hơi giống hình số 3 và xa phía trước trán có một hình chữ S hoa trên to dưới nhỏ, như là một dấu ấn còn lại của hoa văn văn hóa Đông Sơn. Các nhà nghiên cứu cho đó là cổ tự của chữ “lôi”, một ký hiệu của hiện tượng thiên nhiên mưa, gió, sấm, chớp. Phía sau gáy của rồng có một dải bờm nhiều tua, xuất phát từ hai bên phía dưới mang tai, kết xoắn vào nhau, rồi cùng bay lượn hình sóng chạy vòng ra sau hất lên. Chùm râu dưới cằm cũng có kết cấu như vậy nhưng nhỏ và ngắn hơn, vòng xuống phía dưới. Thân rồng từ dưới đầu uốn cong lên, lượn vòng theo mép lá đề lên tới chóp lá. Trên lưng rồng có các tua vây cho đến đuôi. Chân rồng có 3 móng mềm mại như các tua dải lụa, kèm theo các văn mây hình ngọn lửa. Toàn bộ hình rồng nằm trọn trong phần lá đề có viền nổi và có các tua lông như vây trên thân rồng. Phía dưới cuống lá đề, trên đế có trang trí vân mây hình cái khánh (ở giữa nguyên cái và 2 bên 2 nửa cái). Hình rồng ở mặt sau viên gạch này lại có các đặc điểm khác, có thân mập khỏe và ngắn hơn, đầu rồng gọn hơn, không có mào lửa nữa và thân không thắt túi gấp khúc nhiều nữa. Chứng tỏ viên gạch này, một mặt là hình rồng triều Lý, còn một mặt là hình rồng thời Trần - Hồ. Viên gạch hình đao có trang trí hình rồng hai mặt này được gắn trên công trình kiến trúc thời Trần - Hồ, có lẽ là vẫn dùng mẫu khuôn gạch được dùng từ triều Lý, có cải tiến các đồ án hình rồng cho phù hợp với triều đại mới Trần - Hồ. 
Một viên gạch hình lá đề khác có hình rồng cả hai mặt nhưng lại nằm ngang, chiều ngang 21 cm, nơi rộng phình nhất 4,5 cm, nơi phình hẹp nhất 8 cm. Hình rồng đắp nổi nằm trong hình lá đề có hai đường gân mép, giữa có những hạt tròn trang trí. Các gân, hạt cũng đều đắp nổi. Gân ngoài cho đến mép gạch có trang trí vân vây cá hình kỷ hà nối tiếp bao quanh. Rồng có thân uốn lượn hình sin, lưng có vây từ đầu đến đuôi, chân có 3 móng, đầu quay ngược trở lại, có mào lửa dài dính trên một khúc vồng của thân. Rồng này có các đặc điểm của rồng triều Lý. Mặt sau viên gạch này có các đặc điểm giống như mặt trước, nhưng hình rồng lại khác hẳn. Thân rồng ngắn hơn chỉ hơi lượn mà không gấp khúc cuộn hình sin, thân vẫn có vây, chân mập hơn và có 4 móng. Đầu rồng quay ngoảnh về sau đuôi cũng mập hơn và tròn như đầu hổ. Miệng rồng hơi há và đang hướng tới viên ngọc có tua mây dải lụa ở gần khúc đuôi. Rất tiếc là viên gạch này đã bị bể phần chóp và cả phần cuống lá, nếu không thì tuyệt đẹp và cũng chưa tìm thấy ở công trình kiến trúc nào có hình dáng viên gạch và hình rồng trang trí cả hai mặt hai kiểu như vậy.
Hình rồng thời Trần trên viên gạch trang trí mái ngói hình lá đề, dạng trái tim tìm được ở Bàu Đột. Viên ngói cao 7 cm, rộng chỗ phình to nhất 15 cm. Hình lá đề có mép trang trí 2 viền nổi song song khép kín hình trái tim, chóp lá phía trên. Giữa hai gân mép lá này có 57 chấm tròn nhỏ cách đều nhau. Trong hình lá đề này có đắp nổi hình đôi rồng chầu mặt nhật. Mặt trời có các quầng mây lửa bao bọc chung quanh. Rồng vẫn còn một số đặc điểm như viên gạch hình đao đã kể trên, nhưng không còn mào lửa ở trên đầu nữa. Phía cuối cuống lá đề có trang trí hình hoa cúc và hai bên phía trên hoa mỗi bên có 3 chấm tròn nhỏ trang trí. Viên ngói này có bố cục trang trí cũng rất cân đối và đẹp.
Qua một số viên gạch và đầu rồng phát hiện được ở các di tích thời Lý - Trần tại Nghệ Tĩnh thì đều là các hiện vật tiêu biểu, có hình dáng, hình rồng bố cục hết sức sáng tạo và đẹp mĩ mãn. Các hiện vật này không thua gì các hiện vật có rồng phát lộ ở Hoàng cung Thăng Long - Hà Nội và còn có những đặc điểm đặc sắc riêng biệt kỳ lạ. Nó chứng tỏ người thợ và các nghệ nhân làm gạch và điêu khắc hình rồng dùng cho các công trình kiến trúc thời Lý - Trần - Hồ ở xứ Nghệ đã có sức sáng tạo đặc biệt để làm nên sắc thái riêng cho các đồ án công trình của mình. Thật tiếc là các công trình này đều là phế tích, nếu không chúng ta sẽ còn được hiểu biết thêm nhiều sự đặc sắc, đồ án rồng và các trang trí riêng biệt khác với các công trình khác, nơi khác. Thú vui sưu tầm và bảo vệ cổ vật đã giúp chúng tôi có duyên với những hiện vật có trang trí hình rồng tuyệt đẹp như trên và xin hầu giúp bạn đọc có được niềm vui tìm hiểu con rồng trong những ngày tết Giáp Thìn. 

Cùng chuyên mục