Con Rồng trong văn hóa của người Thái
Vi Văn An |
29/1/2024
1. Thông tin cơ bản Rồng là vật linh tồn tại phổ biến trong tín ngưỡng dân gian và văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới. Ở phương Tây, rồng được coi là loài quái vật, mãnh thú có sức mạnh phi thường, biết bay lượn trên bầu trời, nhưng thường đại diện cho sự hung dữ, độc ác, phun ra lửa đốt cháy làng mạc, tàn sát người dân hoặc phun mưa, dâng nước sông, biển nhấn chìm thuyền bè, thành quách…
Là con vật hung dữ, nên rồng thường canh giữ kho báu, lâu đài hay bảo vệ người đẹp, song lại tỏ ra “hữu dũng vô mưu”, nên thường bị thiệt mạng dưới lưỡi gươm hay mũi tên cung nỏ của các tráng sĩ thời cổ.
Ở các nước phương Đông, hình tượng của rồng cũng muôn hình, vạn trạng: mình hình rắn, đùi thằn lằn, móng vuốt của chim ưng, sừng hươu, vẩy cá chép và biết bay lượn trên cao. Đa số các dân tộc ở những nước châu Á đều coi rồng là con vật linh thiêng, nhưng mỗi dân tộc thường gọi rồng bằng các tên khác nhau. Người Trung Quốc và các dân tộc ở vùng Đông Bắc Á gọi rồng là long (nằm trong bộ Tứ linh: long, ly, quy, phụng); Các dân tộc ở các quốc gia Đông Nam Á hải đảo và người Khơme ở Campuchia thì gọi rồng là naga, tức thần naga thường có 3,5,7 hoặc 9 đầu; Các cư dân nói ngôn ngữ Lào - Thay ở Lào, Thái Lan, Myanmar thì gọi rồng là nạk, tức phi nạk cũng thường có 3,5,7 hoặc 9 đầu.
Hoa văn rồng trên sản phẩm thổ cẩm của người Thái
Ở Việt Nam, ngoài người Kinh (Việt) gọi là rồng/long, hình tượng rồng cũng phổ biến trong tín ngưỡng dân gian của nhiều tộc người thiểu số. Người Tày, Nùng gọi rồng là luông, người Khơ Mú gọi rồng là prư dồng, người Mông gọi rồng là tụ ra, người Dao gọi rồng là cùng nang, người Hà Nhi gọi rồng là lò no. Trong các nghi lễ cúng bản, cúng rừng hay lễ cấp sắc, nhiều dân tộc thường chọn ngày Thìn (Rồng) để thực hành. Chẳng hạn, ở người Hà Nhì Đen xã Ý Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, trong một năm, người ta duy trì thực hành 7 nghi lễ tín ngưỡng riêng của dân tộc, trong đó có 2 lễ là: Gạ ma gio (Lễ cúng rừng) tháng 1 và Khù già già (Lễ cầu mùa) tháng 6 (theo âm lịch Hà Nhì) đều tổ chức vào ngày Thìn (Rồng).
2. Quan niệm và hiểu biết của người Thái về rồng
Ở người Thái, rồng được gọi là ngược hay tô ngược (con rồng). Riêng nhóm địa phương Tày Mường người Thái Nghệ An ở vùng Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong do phát âm chệch, nên gọi là nghiệc. Ở vùng người Thái Tây Bắc, tên gọi luông phổ biến hơn tên gọi ngược, giống như vùng người Tày, Nùng ở Đông Bắc.
Theo quan niệm của người Thái, rồng là con linh vật trong trí tưởng tượng, không có thật (chưa ai nhìn thấy), nên hình hài của nó tùy thuộc vào từng loại rồng. Người Thái không miêu tả cụ thể, chi tiết được hình hài con rồng, mà chỉ biết nó là con vật rất đẹp, có mào đỏ, thân dài, có hàm răng sắc dày, bốn chân với bộ móng vuốt sắc lẹm, biết bay lượn trên cao, biết thần thông biến hoá. Có ba loại rồng: loại sống trong những hang động sâu thẳm hoặc các hố sâu tại các thung lũng gọi là ngược đin (rồng đất); loại sống dưới nước gọi là ngược nặm (rồng gây lũ lụt). Chúng thường ngụ tại những vũng xoáy, vực sâu, hang tối trên các sông suối lớn hay tại hồ, ao đầm lớn; loại sống trên cạn thường gọi là ngược lạnh (rồng gây hạn hán). Cũng theo họ, cầu vồng (ngược hung) xuất hiện khi mưa gặp ánh nắng chiếu xiên chính là lúc rồng hiện nguyên hình, có 7 sắc màu in trên nền trời, nên con người mới được nhìn thấy đích thực.
Theo cách giải thích của người Thái, ngoài là con vật có sức mạnh phi thường, con rồng vừa là một loại ma, tức ma rồng (phi ngược) hay còn được gọi là ma chủ nước (phi chầu nặm) thường trú ngụ dưới đáy của các khúc sông, suối, nhất là tại các vũng nước sâu, vũng nước xoáy. Thông thường, phi ngược là loại ma lành (phi đi) thường giúp đỡ, phù hộ người dân các bản làng ở dương gian được yên vui, mưa thuận gió hòa, gia súc đầy chuồng, mùa màng bội thu. Tuy nhiên, nếu con người không chăm nom việc cúng tế hằng năm, có những hành động làm phật ý, xúc phạm tới phi Ngược thì sẽ bị trừng phạt bằng cách gây ra dịch bệnh cho con người, hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi hay phun mưa gây ra lũ lụt trên các dòng sông, suối. Rồng lành luôn là bạn thân của con người, thậm chí còn kết duyên với con người. Rồng mang lại cho con người những đặc sản tôm, cá, làm cho đời sống vật chất của con người ngày càng sung túc. Trái lại, rồng dữ là loại rồng luôn gây tai họa cho con người, nhất là làm cho trời hạn hán kéo dài hoặc gây lũ lụt cuốn trôi nhà cửa, hoa màu.
3. Hình tượng rồng trong các dạng thức văn hóa Thái
Từ các kết quả nghiên cứu về dân tộc học, có thể đề cập đôi nét về hình tượng rồng thể hiện trong các dạng thức văn hóa Thái sau đây:
3.1. Trong sản xuất nông nghiệp
Là cư dân nông nghiệp, sinh sống chủ yếu bằng phương thức canh tác ruộng nước, nên từ lâu, bên cạnh tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc “Dẫn thủy nhập điền” qua hệ thống thuỷ lợi mương, phai, lái, lìn và cọn nước, người Thái rất coi trọng yếu tố nước. Nếu như người Kinh (Việt) có câu nhất nước, nhì phân thì người Thái cũng có câu thành ngữ mi nặm chắng mi pa, mi na chắng pên kháu (có nước mới có cá, có ruộng mới nên lúa). Với người Thái, nước là một trong những tiêu chí chọn để xây dựng bản mường, chọn làm nơi cư trú, dựng nhà. Vì thế, đối với người Thái, nước còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của nhu cầu nước đối với đời sống của con người, nên từ xa xưa, người Thái đã đặt ra những quy định khá cụ thể trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên nước. Những quy định này thể hiện trong phong tục, tập quán, luật tục (Hịt khoong), liên quan đến hai khía cạnh: nước sản xuất và sinh hoạt.
Theo cách hiểu dân gian của người Thái, rồng được coi là linh vật canh giữ nguồn nước, nguồn sống của những bản, mường nằm bên ven các dòng sông, con suối. Thế nên, hiện tượng sông suối bị lũ lụt hằng năm là do ông trời (Then- đấng cai quản và trị vì cõi không gian) chỉ bảo cho ma thuồng luồng (phi ngược) trực tiếp gây ra. Muốn có nước, người ta thường đắp phai chắn dòng suối để nước dâng lên, đổ vào miệng mương, dẫn vào các triền ruộng. Để giảm thiểu tác hại của lũ lụt, trước đây, hằng năm, người Thái còn thực hành một số nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước, đó là: Do quan niệm phai là nơi trú ngụ của vị “chủ con suối” (chầu nặm). Chủ suối được người ta cụ thể hoá trong hình tượng con thuồng luồng (tô ngược). Vị “chủ suối” là người quyết định sự tồn tại của phai, nên muốn cho phai vững chãi không bị lũ lụt làm vỡ, hàng năm người ta phải làm lễ cúng phai vào tháng 8 hoặc kết hợp trong dịp cúng bản, cúng mường (Vi Văn An, 2008).
Như đã đề cập, rồng là linh vật có thể gây mưa bão, lũ lụt, nhưng cũng có thể làm cho trời hạn hán kéo dài. Vì thế, những năm hạn hán kéo dài, người Thái thường tổ chức lễ cầu mưa (xo nặm phạ). Lễ cầu mưa thường được tổ chức bên cạnh bến nước, do một người đàn bà goá (me mải) chủ trì cùng với một nhóm trẻ em. Người ta đào một cái hố trên cạn, dùng mo cau đóng bịt kín miệng lỗ rồi lấy lá cau chọc thủng sâu xuống đáy hố, sau đó, người đàn bà goá và nhóm trẻ em cùng túm lấy đuôi lá cau (tượng trưng cho đuôi rồng - hang ngược) kéo ngược lên, đồng thời hò reo chạy xuống suối té nước vào nhau với ngụ ý chọc tức rồng làm mưa (Vi Văn An, 2017).
3.2. Trong nghệ thuật tạo hình dệt thêu
Hình ảnh rõ ràng nhất về rồng trong văn hóa của người Thái thể hiện ở mô típ hoa văn rồng trên vải thổ cẩm và trên chân váy dệt, thêu của y phục phụ nữ. Ở đây, rồng là biểu tượng cho sắc đẹp diệu kỳ: bảy sắc cầu vồng hay các gam màu hoa văn trên chân váy nữ. Theo đó, trên các tấm vải thổ cẩm hay trên các chân váy, rồng hiện lên với những gam màu gồm: xanh, đỏ, tím vàng và trắng... Chúng có những chiếc gai trên lưng như gai cây xương rồng và có một hàm răng dài mềm mại. Đôi khi những con rồng trên váy Thái được thêu chỉ duy nhất bằng chỉ trắng. Những nghệ nhân dệt thêu cho rằng, trong tâm thức của người Thái, rồng đáng sợ hơn là linh thiêng, nên chỉ có thể là mô típ hoa văn xuất hiện trên chân váy của phụ nữ hoặc trên các mặt chăn (mặt phà) hay rèm màn của họ. Có hai loại mô típ hoa văn rồng, đó là: hình rồng cách điệu, phổ biến trên mặt chăn, chân váy của nhóm Tày Thanh, Tày Mười và Tày Khăng, nhất là vùng người Thái Thanh Hóa, Nghệ An hay các nhóm Tày Đèng cư trú tại tỉnh Hủa Phăn, CHDCND Lào láng giềng. Trái lại, hình rồng tả thực thì phổ biến trên mặt chăn, chân váy dây lưng của phụ nữ nhóm Tày Dọ và Tày Mường vùng Thanh Hóa, Nghệ An và các nhóm Thái cư trú tại các huyện giáp biên giới với tỉnh Sơn La. Nếu có chút so sánh gì đó, thì mô típ và hình tượng rồng trên chân váy, mặt chăn và dây lưng của phụ nữ vùng Thái Thanh Hóa, Nghệ An phong phú, xuất hiện đậm đặc hơn trên mặt chăn, rèm màn của người Thái vùng Tây Bắc. Riêng y phục của phụ nữ Thái Tây Bắc (kể cả Thái Đen và Thái Trắng) không có mô típ và hình tượng rồng. Theo các công trình nghiên cứu đã công bố, hình tượng con rồng được dệt thêu trên chân váy của phụ nữ Thái vùng Thanh Hóa, Nghệ An khá phong phú, đa dạng. Có đủ loại rồng theo trí tưởng tượng của người dệt, thêu gồm: Rồng màu xanh, rồng màu đỏ, rồng màu vàng, rồng màu trắng, rồng hai đầu, rồng đất, rồng khe suối, vực sâu, rồng sông biển, rồng mây, rồng có mào, có móng, rồng có vảy và không có vảy, rồng có mắt trước, mắt sau; rồng dài suốt... gấu váy, rồng nối đuôi nhau, rồng đi riêng lẻ … Theo tác giả Hữu Vi (2002), số lượng váy của phụ nữ Thái ở Nghệ An có thêu hình con rồng chiếm đến 30% (váy thêu hình mặt trời chiếm 50%; váy thêu hình chim chóc và các loài thú nhỏ chiếm 10%; váy thêu hình thú lớn như voi, hươu, nai… chiếm 10%).
3.3. Trong văn học và tập quán thờ cúng
Nếu như ở người Việt, hình tượng rồng thể hiện qua nhiều lĩnh vực từ văn học nghệ thuật cho đến kiến trúc dân gian, đình chùa, đặc biệt hình tượng rồng còn là biểu tượng của vua chúa, quyền uy của hoàng gia, thì ở người Thái, rồng thường xuất hiện trong các truyện cổ tích. Bằng chứng là khá nhiều địa danh ở vùng người Thái Tây Bắc, Tây Thanh Hóa, Nghệ An được mang tên rồng hay gắn liền với sự tích liên quan đến rồng. Các di tích đó thường mang tên: Noong Luông, Noong Ngược (ao Rồng), Pu Luông hay Pu Ngược (núi Rồng), Văng Ngược (vũng Rồng)… Có khá nhiều các câu chuyện kể lưu truyền dọc lưu vực sông lớn vùng người Thái ở cả vùng Tây Bắc và Tây Thanh - Nghệ liên quan đến chuyện tình giữa rồng với người. Giữa người và rồng, đôi khi cũng xảy ra các trận chiến khốc liệt, trong đó các chàng trai khỏe mạnh thường trở thành anh hùng bảo vệ bình yên cho bản làng.
Trong quá khứ, hình tượng rồng rất hiếm khi xuất hiện ở nơi thờ tự của người Thái. Có lẽ do phong tục, tập quán của người Thái không thờ rồng. Trong các đền mường nổi tiếng trước đây cũng không có bức điêu khắc hay cột gỗ, đá nào được khắc, tạc hình rồng. Tuy vậy, đối với các thầy cúng, thầy mo tiễn hồn người chết, hình tượng rồng thường được thêu, dệt vào áo, mũ, khan. Các thầy mo thường diện những bộ y phục có hình rồng khi hành lễ. Theo giải thích của nhiều thầy cúng, thầy mo thì hình tượng rồng thêu trên áo, mũ, khan cùng với mảnh hóa thạch được cho là chiếc răng rồng mà họ bày ra làm đạo cụ là thể hiện cho quyền uy và sức mạnh của thầy mo. Những đồ vật có hình thù kỳ dị, người thường hiếm khi bắt gặp và không bao giờ có được. Theo đó, chúng còn là vật trừ tà, kỵ ma, bảo vệ cho thầy cúng, thầy mo khi hành lễ.
Rồng đắp trên lối vào đền Chín Gian, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa)
Ngày nay, trừ vùng người Thái Tây Bắc, hình ảnh rồng đã xuất hiện khá nhiều trong một số kiến trúc đền chùa ở vùng người Thái miền Tây Thanh - Nghệ. Cụ thể là trên đỉnh mái của ngôi đền Chín Gian tại xã Thanh Quân, huyện Như Xuân có hai con rồng chầu nguyệt. Đền Chín Gian ở xã Mường Noọc, huyện Quế Phong, Nghệ An cũng được xây hai con rồng uốn lượn dọc hai bên bậc xi măng lên xuống gần phần sân đền, trên đỉnh mái cũng được tạc hai đầu rồng (Lưu ý, ngoài đền chính, hai bên tả, hữu đền còn được xây thêm một số hạng mục tôn giáo như: tượng bà Quan thế Âm Bồ Tát (bên hữu) và nhà Tứ phủ (bên tả). Riêng đền Chín Gian ở Quế Phong còn có nhà thờ Bác Hồ). Đền mường Chiêng Ngam, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu cũng là một trong những nơi thờ tự có sự xuất hiện của rồng: có mái rồng. Đền Choọng, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp cũng có hai con rồng đá uốn lượn đặt hai bên bậc lên xuống khá đồ sộ. Đền Vạn ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương hay Đền Pu Nhạ Thàu ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cũng đều xuất hiện hình tượng rồng. Đặc biệt, đền thờ tổ dòng họ Vi ở bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương cũng được đắp rồng hai bên đường lên. Ngay cả đền thờ tổ dòng họ Vi ở bản Tổng Chai, xã Chi Khê, huyện Con Cuông cũng xuất hiện hình tượng rồng.
Có một vấn đề đặt ra là: Tại sao trong các đền mường của người Thái vùng Thanh Hóa, Nghệ An lại xuất hiện và phổ biến hình tượng của rồng? Để lý giải cho vấn đề này, hãy trở lại nguồn gốc và lịch sử cư trú của người Thái Thanh Hóa, Nghệ An sẽ thấy: vốn tiếp xúc với xã hội của người Việt từ rất sớm, vì thế bên cạnh vẫn bảo lưu các yếu tố cổ truyền, song xã hội của họ đã tiếp thu, ảnh hưởng các yếu tố xã hội và văn hóa của người Việt từ thời Lý, Trần, nhất là thời Lê. Nhiều dòng Thái hiện nay đều có gốc từ người Kinh, người Mường di cư lên. Ví dụ các họ: Phạm, Lê, Đinh… (vùng Thanh Hóa); họ Nguyễn, Vi, Mạc, Lê, Bùi… (vùng Nghệ An). Trong quan hệ ruộng đất, yếu tố tư hữu bao trùm, khác nhiều so với chế độ công hữu/công công của người Thái vùng Tây Bắc. Hệ thống tổ chức hành chính, hệ thống quan chức trong các mường của người Thái cũng đã ảnh hưởng các yếu tố cơ cấu tổ chức của xã hội Việt, trong đó quan hệ địa chủ - nông dân được xác lập và được củng cố. Từ cái cốt lõi cơ bản trong xã hội cổ truyền là mỗi mường thường có một ngôi đền mường, và ngay trong các ngôi đền mường cổ truyền trước đây cũng đã ít nhiều ảnh hưởng yếu tố văn hóa Việt (tượng gỗ sơn son thếp vàng, lọng, sắc phong…), nên trải qua các bước thăng trầm gần như vắng bóng, sau này, khi được cấp kinh phí xây dựng mới, người Thái thường dễ chấp nhận sự hiện diện của các yếu tố văn hóa mới trong các ngôi đền mường đó như một lẽ đương nhiên.
4. Đôi điều nhận xét
Rồng và hình tượng rồng xuất hiện phổ biến trong văn hóa của nhiều dân tộc từ phương Tây sang phương Đông, trong đó có các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Ngoài tên gọi, quan niệm và tâm thức… thì mức độ và tần suất phổ biến của hình tượng rồng trong các lĩnh vực của đời sống ở mỗi dân tộc cũng có sự khác nhau.
Đối với người Thái, tuy rồng chỉ là con linh vật trong trí tưởng tượng, song theo quan niệm và cách giải thích dân gian nêu trên, thì họ cũng đã có những hiểu biết nhất định về loại linh vật huyền thoại này. Tuy hình tượng rồng không xuất hiện ở nhiều lĩnh vực của đời sống, song hình tượng rồng cũng được thể hiện trong một số dạng thức văn hóa như: trong lao động sản xuất nông nghiệp, trong nghệ thuật tạo hình (dệt thêu), trong văn học và tập quán thờ cúng. Hình tượng rồng có vai trò nhất định trong các lĩnh vực nêu trên. Ngoài đại diện cho điều dữ, rồng cũng còn là con vật giúp ích cho con người, tạo mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Hình tượng rồng còn là biểu tượng của cái đẹp, yếu tố trừ tà ma, sức mạnh bảo vệ các thầy cúng, thầy mo.
Trải qua các bước thăng trầm của lịch sử, do cư trú xen kẽ, gần gũi, do tiếp xúc và giao thoa văn hóa, nên từ không có, sau này hình tượng rồng này càng xuất hiện phổ biến trong các đền mường của người Thái (chủ yếu là người Thái vùng Thanh Hóa, Nghệ An).
Tài liệu tham khảo
1. Vi Văn An, Người Thái ở miền Tây Nghệ An, Nxb Thế Giới, H, 2017.
2. Vi Văn An, Tri thức dân gian của người Thái trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. TC Dân tộc học, số 1/2008.
3. Thái Tâm, Nguyễn Duy, Hình tượng con rồng trên gấu váy phụ nữ Thái, Văn hóa Sơn La, 2020.
4. Hữu Vi. Rồng trong quan niệm tâm linh người Thái, Văn nghệ Quân đội 5/2022.